ASEAN bế tắc trong việc lựa chọn đặc phái viên đến Myanmar

Năm tháng kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử ở Myanmar, ASEAN đã không thể bổ nhiệm một đặc phái viên để giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng chính trị của quốc gia thành viên và một trở ngại lớn hiện nay là sự mất đoàn kết trong khối.

Bất đồng giữa các nước ASEAN về việc lựa chọn phái viên dường như đang giúp quân đội Myanmar bởi họ luôn muốn câu giờ để củng cố quyền lực của mình. Tuy nhiên, điều đó cũng dẫn đến sự thất vọng đối với một số người trong ASEAN, những người muốn tham gia vào vấn đề này một cách tích cực hơn.

Các nguồn tin ASEAN cho biết hiện có ba người được đề cử – Virasakdi Futrakul, cựu thứ trưởng ngoại giao Thái Lan và nhà ngoại giao kỳ cựu; Hassan Wirajuda, cựu ngoại trưởng Indonesia; và Razali Ismail, người Malaysia từng là đặc phái viên của Liên hợp quốc về Myanmar vào những năm 2000 được giao nhiệm vụ tạo điều kiện cho hòa giải dân tộc và dân chủ hóa trong nước.

Thái Lan, Indonesia và Malaysia đều muốn quan chức của họ làm đặc phái viên.

Một nguồn tin ASEAN cho biết việc bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN hiện đang bị trì hoãn “vì một số quốc gia kiên quyết rằng người được đề cử của họ phải là đặc phái viên, cụ thể là Indonesia. Chúng tôi phải thảo luận thêm để giải quyết vấn đề này”.

 Trong bối cảnh một số nước thành viên vẫn đang tranh cãi về vấn đề này, quân đội Myanmar không cảm thấy bị áp lực phải thực hiện bất kỳ hành động nào về vấn đề phái viên. Một tháng kể từ khi Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei, Erywan Pehin Yusof, gặp lãnh đạo quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, và đệ trình danh sách đề cử cho vị trí đặc phái viên trong chuyến thăm Myanmar vào đầu tháng 6, hiện vẫn chưa có công văn chính thức nào từ quân đội về sự lựa chọn của họ.

Indonesia tin rằng Hassan với tư cách là đặc phái viên có thể mang lại động lực hướng tới một giải pháp và muốn tiếp tục quá trình này, theo một nguồn tin ASEAN thứ hai cho biết. Tuy nhiên, giới quân sự dường như đang nghiêng về ứng cử viên Thái Lan.

Nguồn tin thứ hai nói rằng một phần là do quân đội Myanmar “không còn quan tâm đến mô hình chuyển đổi dân chủ của Indonesia mà ưa thích mô hình của Thái Lan, nơi quân đội sử dụng đòn bẩy chính trị và ảnh hưởng chính sách vượt trội”.

Theo các nguồn tin, Malaysia cũng quan tâm đến việc cử quan chức của mình cho vị trí đặc phái viên nhưng không thúc đẩy nó mạnh mẽ như Indonesia. Cho đến nay, Singapore không đề cử bất kỳ ứng cử viên nào. Trong khi đó, Brunei với tư cách là chủ tịch ASEAN hiện tại đang thúc đẩy một thỏa hiệp bằng cách cố gắng thuyết phục quân đội Myanmar chọn một nhóm gồm ba đặc phái viên của ASEAN thay vì chỉ một.

Một quan chức từ một trong ba quốc gia thúc đẩy việc bổ nhiệm người được đề cử cho biết: “ASEAN và Myanmar vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về đặc phái viên sau khi ASEAN yêu cầu chính quyền Myanmar quyết định về số lượng đặc phái viên. Hiện vẫn chưa có phản hồi cho đến nay”.

Vấn đề phái viên dường như đã trở nên đan xen với các chương trình nghị sự trong nước và chiến lược của các nước có quan chức đề cử. Nguồn tin ASEAN thứ hai cho biết mục tiêu của các nước này không chỉ là giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Indonesia muốn đóng một vai trò trong việc ổn định tình hình ở Myanmar để chứng tỏ sự hữu ích và củng cố vị thế quyền lực của Tổng thống Joko Widodo và những người khác, trong khi Thái Lan muốn “đảm bảo an ninh biên giới và lợi ích thương mại của Myanmar”. Mặt khác, Malaysia “cảm thấy không nên để Indonesia và Thái Lan quyết định đường hướng mà không mảy may đến lợi ích của Malaysia”, chẳng hạn như các vấn đề liên quan đến người tị nạn Rohingya và vấn đề người lao động Myanmar nhập cư tại Malaysia.

Hikmahanto Juwana, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Indonesia, cho biết vai trò của đặc phái viên là “lắng nghe tiếng nói của người dân Myanmar và đề xuất thành lập một chính phủ lâm thời sẽ tổ chức một cuộc bầu cử do ASEAN giám sát. ASEAN cũng phải liên hệ với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, nơi mà Myanmar có sự phụ thuộc rất lớn, để thúc đẩy Myanmar. Thay vì can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar, Trung Quốc phải thể hiện sự ủng hộ đối với những gì ASEAN làm”.

Quang Anh