APEC tăng cường khả năng phục hồi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa sau đại dịch
Chiếm tới hơn 97% tổng số doanh nghiệp toàn khu vực, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) được ví như sức mạnh của nền kinh tế APEC. Đó là lý do các nhà lãnh đạo APEC luôn lấy việc tăng cường khả năng phục hồi của các SME làm mục tiêu chung, tập trung vào số hóa, tăng trưởng toàn diện và cải thiện phúc lợi.
Đồng hành nâng cao năng lực cạnh tranh cho các SME
Hiện nay các SME đang sử dụng hơn 60% lực lượng lao động và đóng góp từ 40 – 60% tăng trưởng GDP ở hầu hết các nền kinh tế. Mặc dù APEC luôn ghi nhận những đóng góp tích cực của các SME đối với nền kinh tế song các doanh nghiệp này mới chỉ chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu. Trên thực tế, các Bộ trưởng Thương mại APEC đều thừa nhận vai trò thiết yếu của thương mại trong việc thúc đẩy sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ cho các SME của khu vực khi đối mặt với đại dịch toàn cầu
Cụ thể Nhóm Công tác về SME APEC (SMEWG) hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đồng thời nỗ lực thiết lập một môi trường thương mại và đầu tư cởi mở, thông thoáng hơn. Nhóm đã thông qua các kế hoạch chiến lược cho từng giai đoạn nhằm đưa ra lộ trình cụ thể trong giải quyết các vấn đề quan trọng, đặc biệt là các liên quan đến sự tăng trưởng của các SME và doanh nghiệp siêu nhỏ (MEs) trong khu vực APEC; tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như: xây dựng năng lực quản lý, tinh thần kinh doanh và đổi mới; tài trợ; môi trường kinh doanh, tiếp cận thị trường và quốc tế hóa.
Trong đó các Trung tâm Thương mại điện tử Cơ hội số APEC (ADOC) đảm nhiệm vai trò cung cấp các khóa đào tạo liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông cho các SME. Các Trung tâm APEC-IBIZ sẽ phụ trách đào tạo tư vấn viên các kỹ năng cá nhân cũng như kiến thức chuyên môn để họ có thể hỗ trợ hiệu quả cho các SME
Ngoài ra SMEWG cũng lồng ghép các nhiệm vụ và hoạt động của nhóm này vào các nhóm APEC khác để nâng cao hiệu quả hỗ trợ các SME như: hỗ trợ cho vay theo tổ chức; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh quốc tế, bao gồm đơn giản hóa các thủ tục hải quan, tăng cường các biện pháp chống tham nhũng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, từ đó giảm thiểu rủi ro cho các SME khi vươn ra thị trường quốc tế; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông đồng bộ và hiện đại
Phục hồi bền vững sau đại dịch
Các nền kinh tế thành viên APEC xác định trong năm APEC 2021 này vẫn sẽ kiên trì mục tiêu thúc đẩy sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ cho các SME khi đối mặt với đại dịch toàn cầu. Quyết tâm này được thể hiện thông qua một loạt các tuyên bố quan trọng tại các Hội nghị cấp bộ trưởng APEC.
Theo đó APEC nhất trí về sự cần thiết phải đặt các SME làm trọng tâm của quá trình phục hồi kinh tế. Các hội nghị APEC đều hướng vào chủ đề chính “Phục hồi bền vững sau đại dịch; trong đó tập trung thảo luận về biện pháp thúc đẩy các chính sách thương mại táo bạo và thiết thực cũng như tìm giải pháp đảm bảo sự phục hồi cho các nền kinh tế thành viên trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Các mối quan tâm chính bao gồm: đẩy mạnh số hóa tạo động lực giúp phục hồi hiệu quả sau các cú sốc kinh tế; mang lại cơ hội kinh tế cho tất cả mọi người, bao gồm phụ nữ, người bản địa và các nhóm dễ bị tổn thương khác; giảm chênh lệch và cải thiện phúc lợi của các chủ doanh nghiệp nhỏ.
Các đòn bẩy chính sách được thảo luận tại các cuộc họp của APEC năm nay sẽ có tác động tích cực, giúp khai mở tiềm năng cho các SME trong vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới của khu vực. Ngay khi đại dịch Covid – 19 bùng phát, các thành viên APEC và các nền kinh tế toàn cầu luôn nỗ lực hỗ trợ các SME dựa trên nguyên tắc “phản ứng kinh tế tốt nhất là phản ứng lành mạnh”.
Tại New Zealand – nước chủ nhà APEC 2021, một loạt các chính sách hỗ trợ tài chính đã được triển khai sau khi đại dịch bùng phát trở lại vào tháng 8. Điển hình có thể kể đến 4 đợt trợ cấp tiền lương trị giá hơn 3,04 tỷ USD cho 1,26 triệu lao động trong 321.000 doanh nghiệp; 3 đợt thanh toán hỗ trợ cho các chi phí cố định của 319.000 doanh nghiệp với trị giá 947 triệu USD; các khoản vay ưu đãi không lãi suất dành cho 6.500 SME có trị giá hơn 105 triệu USD.
Kinh doanh có đạo đức và cải thiện phúc lợi
APEC củng cố tầm quan trọng của các SME thông qua: tăng cường ứng xử kinh doanh có đạo đức; đẩy mạnh thực hiện các thỏa thuận về đạo đức trong khuôn khổ đồng thuận APEC; cải thiện sự hợp tác về đạo đức trong hệ thống y tế khu vực.
Tại Diễn đàn Đạo đức kinh doanh APEC cho các SME năm 2021, “Khuôn khổ đồng thuận New Zealand” cũng đã được ký kết cho phép các bên liên quan (chính phủ; các ngành công nghiệp; các chuyên gia chăm sóc sức khỏe; các nhóm bệnh nhân) có thể làm việc cùng nhau bằng cách điều chỉnh các nguyên tắc được chia sẻ.
Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cấp cao APEC năm 2021 Vangelis Vitalis nhấn mạnh mối tương quan chặt chẽ giữa cải thiện phúc lợi với năng suất lao động cũng như cách các doanh nghiệp có đạo đức trong khu vực có thể giúp năng suất kinh doanh từ 3% – 6%/năm. Bằng cách giảm chênh lệch và cải thiện phúc lợi của các chủ doanh nghiệp nhỏ, các nền kinh tế APEC có thể tăng cường sự tham gia vào hoạt động sản xuất cũng như nâng cao năng suất lao động, từ đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao phúc lợi chung cho cả cộng đồng.
Vũ Long