ANZ từ chối lên án bạo lực ở Myanmar

Ngân hàng ANZ đã từ chối ký một lá thư lên án bạo lực ở Myanmar, bất chấp lời kêu gọi từ các tổ chức hoạt động địa phương và quốc tế yêu cầu các công ty toàn cầu công khai đứng về phía những người biểu tình ủng hộ dân chủ.

 Ít nhất 550 người biểu tình đã bị giết và 2700 người bị bắt kể từ khi quân đội Myanmar giành quyền kiểm soát đất nước vào tháng 2. Quân đội đã tuyên bố kết quả bầu cử hồi tháng 11/2020 là không hợp lệ và giam giữ các nhân vật chính trị, bao gồm cả nhà lãnh đạo bị phế truất Aung San Suu Kyi.

Trung tâm Kinh doanh có trách nhiệm của Myanmar đã đưa ra một bức thư gần ba tuần sau cuộc đảo chính, kêu gọi một “giải pháp nhanh chóng” đối với bạo lực “phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar”.

 Bức thư đã được ký bởi hơn 65 công ty đa quốc gia có hoạt động tại Myanmar, bao gồm những người khổng lồ toàn cầu như Facebook, Nestle và Unilever và nhà sản xuất dầu khí của Úc Woodside.

Bức thư có đoamk: “Pháp quyền, tôn trọng nhân quyền và luồng thông tin không hạn chế, tất cả đều góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh ổn định”.

Tuy nhiên, mặc dù đã hoạt động tại Myanmar từ năm 2013, nhưng ANZ đã không ký vào bức thư, nói rằng sự an toàn của nhân viên là ưu tiên số một của họ và họ “lo ngại” trước tình hình bạo lực leo thang.

ANZ cho biết hoạt động kinh doanh của họ tập trung vào việc hỗ trợ các khách hàng đa quốc gia quan trọng với các khoản thanh toán tại địa phương và các nhu cầu ngân hàng khác, thêm vào đó ngân hàng đã không cung cấp dịch vụ cho các thực thể bị trừng phạt hoặc cung cấp tài trợ cho các dự án của họ. Một phát ngôn viên của ngân hàng cho biết họ “tiến hành đánh giá thường xuyên” mạng lưới quốc tế của mình, nhưng không nói rõ liệu hoạt động kinh doanh tại Myanmar của họ có đang được xem xét hay không.

Justice for Myanmar, một nhóm vận động dẫn đầu kêu gọi các công ty cắt đứt quan hệ với quân đội, cho rằng tuyên bố của ANZ là chưa đủ và kêu gọi ngân hàng sử dụng đòn bẩy của mình để tố cáo bạo lực.

Phát ngôn viên chiến dịch Yadanar Maung nói: “Ngân hàng ANZ phải coi trọng trách nhiệm nhân quyền của mình, đứng về phía người dân Myanmar và lên án chính quyền quân sự tàn bạo và bất hợp pháp, đang phạm tội ác chống lại loài người. Im lặng và không hành động không phải là một lựa chọn”.

 Giám đốc ngân hàng ANZ, Mark Whelan, phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh ngân hàng do Australian Financial Review tổ chức vào tuần trước rằng ngân hàng này đã tuyển dụng khoảng 20 nhân viên địa phương và sẽ tiếp tục tạo điều kiện trả lương cho các công ty đa quốc gia để đảm bảo công dân Myanmar nhận được lương. Ông nói: “Chúng tôi đang theo dõi kỹ lưỡng, chúng tôi sẽ xác định cách hành động tốt nhất là gì khi chúng tôi thấy mọi thứ diễn ra như thế nào”. ANZ có hoạt động tại hơn 30 quốc gia trên thế giới và ông Whelan cho biết giám sát tình hình bất ổn dân sự là một phần của hoạt động kinh doanh.

Việt Hùng