Anh thử nghiệm chương trình làm việc “bốn ngày một tuần”
Hàng nghìn công nhân ở Anh có một lý do khác để ăn mừng sau khi trở về sau một kỳ nghỉ cuối tuần dài để đánh dấu Năm Thánh Bạch Kim của Nữ hoàng Elizabeth II. Họ đang tham gia vào cuộc thử nghiệm lớn nhất thế giới – làm việc bốn ngày một tuần, trong bối cảnh phong trào toàn cầu hướng tới ngày làm việc ít hơn đang có thêm động lực sau đại dịch COVID-19.
Từ các cửa hàng tạp hóa cho đến các tập đoàn lớn, hơn 3.300 công nhân từ 70 công ty sẽ làm việc 80% giờ với 100% lương của họ – với điều kiện họ cam kết duy trì 100% năng suất.
Cuộc thử nghiệm này kéo dài sáu tháng, được điều phối bởi các nhóm phi lợi nhuận “4 Day Week Global” và “4 Day Week U.K” ở Vương quốc Anh.
Joe O’Connor , giám đốc điều hành của 4 Day Week Global, cho biết: “Khi chúng ta thoát ra khỏi đại dịch, ngày càng có nhiều công ty nhận ra rằng tiền tuyến mới cho sự cạnh tranh là chất lượng cuộc sống, và thời gian làm việc tập trung vào đầu ra là phương tiện để mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh. Tác động của cuộc ‘nghỉ việc tập thể’ đang chứng minh rằng người lao động từ nhiều ngành khác nhau có thể tạo ra kết quả tốt hơn trong khi làm việc ngắn hơn và thông minh hơn.”
Các thử nghiệm tương tự sẽ bắt đầu ở Scotland, Tây Ban Nha, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ và Canada trong năm nay. Vào tháng 2, Bỉ đã công bố kế hoạch cung cấp cho nhân viên tùy chọn yêu cầu một tuần làm việc bốn ngày, khi chính phủ tìm cách tăng cường tính linh hoạt tại nơi làm việc trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19.
Tuần làm việc 40 giờ đã trở thành tiêu chuẩn ở Mỹ sau cuộc Đại suy thoái; chính phủ coi đó là một cách để giải quyết cuộc khủng hoảng thất nghiệp bằng cách chia sẻ công việc cho nhiều người hơn. Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp, việc nhân viên làm việc sáu ngày, từ 70 giờ trở lên không phải là hiếm.
Nhà sản xuất ô tô Henry Ford là một trong những công ty đầu tiên chuyển sang tuần làm việc 5 ngày vào năm 1926. Ford cho rằng nhân viên của ông làm việc hiệu quả hơn trong thời gian ít giờ hơn. Trong thử nghiệm mới nhất, với sự tham gia của 70 công ty, các nhà nghiên cứu sẽ đo lường tác động đến năng suất trong doanh nghiệp và hạnh phúc của người lao động, cũng như tác động đến môi trường và bình đẳng giới.
Như Mây