Ảnh hưởng dịch Covid-19, bức tranh tài chính – ngân hàng ảm đạm
Báo cáo tài chính quý I/2020, lợi nhuận của nhiều ngân hàng thương mại đã sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái phần nào cho thấy một bức tranh tín dụng khá ảm đạm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cảnh báo phải bước sang quý II những tác động mới thực sự rõ nét và trầm trọng hơn.
Điểm qua báo cáo tài chính quý I/2020 của một số ngân hàng, dễ dàng nhận thấy lợi nhuận của các ngân hàng này sụt giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái, biểu hiện qua thu nhập lãi thuận tăng chậm và xuất hiện các nhóm nợ xấu mới buộc phải tăng cường trích lập dự phòng. Đơn cử 2 ngân hàng lớn là Vietcombank và VietinBank đều sụt giảm lợi nhuận trong quý I/2020.Cụ thể lợi nhuận trước thuế của VietinBank chỉ đạt 2.974 tỷ đồng, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi chi phí dự phòng rủi ro quý I/2020 tăng tới 35% lên 4.393 tỷ đồng,.
Về phía Vietcombank, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng này chỉ tương đương cùng kỳ, đạt gần 7.400 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro lại tăng tới 42%, lên mức 2.152 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận trước thuế của Vietcombank giảm 11% so với quý I/2019, xuống 5.223 tỷ đồng.
Có thể thấy điểm chung ở cả VietinBank và Vietcombank là đều tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. VietinBank tăng cường trích lập dự phòng trong bối cảnh nợ xấu ngân hàng này đã bắt đầu tăng mạnh trong quý I (tăng hơn 50%); trong khi đó nợ xấu tại Vietcombank cũng tăng nhưng chưa đáng kể, tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức dưới 1% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này cao nhất toàn hệ thống. Qua đó có thể thấy được ngay cả khi đang hoạt động có lãi, các ngân hàng cũng cần cảnh giác với khả năng nợ xấu tăng cao trong tương lai và phải chuẩn bị cho mình các phương án đối phó hiệu quả.
Một ngân hàng tư nhân lớn khác cũng sụt giảm lợi nhuận vì lý do tương tự là MBBank. Quý I/2020, các mảng kinh doanh của MBBank vẫn có kết quả lãi tích cực, tuy nhiên ngân hàng gia tăng trích lập dự phòng, khiến lợi nhuận tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Theo đó tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng này trong quý I/2020 tăng 16% so với cùng kỳ đạt 6.338 tỷ đồng. Sau khi trừ đi trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế của MBBank lại tăng trưởng âm do chi phí dự phòng tăng tới 117% lên 2.092 tỷ đồng. Theo đó, dự phòng rủi ro đã “ăn mòn” tới 49% lợi nhuận của MBBank, trong khi cùng kỳ chỉ là 28%.
Bối cảnh dịch bệnh hoành hành, trong khi hầu hết các ngân hàng đều cố gắng tiết kiệm chi phí hoạt động và tăng trích lập dự phòng thì tại Sacombank, chi phí hoạt động tăng tới 21% lên 2.478 tỷ đồng; trong đó chi cho nhân viên tăng 10% lên 1.279 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí dự phòng quý I của Sacombank giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ xuống 417 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý I của ngân hàng giảm 6,9% xuống còn 988 tỷ đồng.
Nếu như lợi nhuận của các “ông lớn” trên mới chỉ sụt giảm nhẹ thì tại một số ngân hàng nhỏ đã ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận khá mạnh.
Điển hình như tại Nam A Bank, trong quý I thu nhập lãi thuần của ngân hàng này giảm 29% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 465 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự tăng 39% (1,498 tỷ đồng), trong khi thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự chỉ tăng 13% (1,962 tỷ đồng). Mặc dù Nam A Bank không trích lập dự phòng trong quý đầu tiên và chi phí hoạt động xấp xỉ cùng kỳ (409 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận trước và sau thuế vẫn giảm 53%, chỉ còn gần 143 tỷ đồng và 113 tỷ đồng.
Ngân hàng nhỏ khác là BacABank cũng có lợi nhuận trước thuế sụt giảm mạnh. Cụ thể trong quý I lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 179 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí dự phòng lên mức 44 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ngân hàng không trích lập. Ngoài ra chi phí hoạt động của BacABank cũng tăng tới 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 241 tỷ đồng.
Còn tại Kienlongbank, mặc dù chi phí hoạt động của ngân hàng trong quý I tăng 21% lên 257 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước chi phí dự phòng vẫn tăng mạnh 64% so với cùng kỳ 2019, lên mức 125 tỷ đồng. Quý này, Kienlongbank đột ngột tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 37 lần so với cùng kỳ 2019, lên gần 69 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức 57 tỷ đồng, giảm gần 23% so với cùng kỳ 2019.
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng sụt giảm trong những tháng đầu năm chủ yếu do tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro, có thể vì nợ xấu đang diễn biến xấu, hoặc vì tạo nguồn lực nhiều nhất có thể để xử lý nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, lãi suất cho vay lại giảm ảnh hưởng tới NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) khiến thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng chậm lại, trong khi đây vẫn là nguồn thu nhập chủ yếu, chiếm đến trên 70% tại các ngân hàng lớn và hơn 90% tại đa số các ngân hàng nhỏ.
Hạnh Phúc