An ninh lương thực – cốt lõi trong kế hoạch phục hồi nông thôn mới kéo dài 5 năm của Bắc Kinh

Theo kế hoạch chi tiết hàng năm về các chính sách nông thôn trong bối cảnh đại dịch, Trung Quốc đang chú trọng nhiều hơn đến an ninh lương thực và khả năng tự lực để nuôi sống 1,4 tỷ người.
Kế hoạch mới này đặt sự hồi sinh toàn diện của nông thôn vào trọng tâm của chiến lược nông nghiệp quốc gia trong 5 năm tới.
Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản và Hội đồng Nhà nước đã công bố tuyên bố chính sách chung đầu tiên trong năm của họ vào Chủ nhật, và yêu cầu tất cả các chính quyền cấp tỉnh trên toàn quốc duy trì diện tích trồng ngũ cốc ổn định và tăng sản lượng để cải thiện cung cấp lúa mì, ngô, gạo, bông, dầu ăn, đường và thịt trong thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ 14, kéo dài từ 2021-2025.
Tuyên bố này, được gọi là “Tài liệu số 1” của chính phủ trung ương, được tập trung vào các vấn đề nông thôn kể từ năm 2003.
Tuy nhiên, không giống như những năm trước, kế hoạch năm nay thiết lập một loạt các mục tiêu về sản xuất lương thực, bao gồm đạt sản lượng ngũ cốc hàng năm hơn 650 triệu tấn và tạo ra 6,67 triệu ha đất canh tác chất lượng cao có thể đảm bảo mùa màng bội thu bất chấp thiên tai.
Bắc Kinh cũng tái khẳng định trong tài liệu rằng tất cả các đảng viên Đảng Cộng sản địa phương phải đẩy mạnh trách nhiệm chính trị để đảm bảo sản lượng lương thực đầy đủ, giống như các chính quyền địa phương.
Kế hoạch này là dấu hiệu mới nhất cho thấy ban lãnh đạo Trung Quốc đặt mục tiêu tăng cường sự phụ thuộc của quốc gia vào thu hoạch trong nước để nuôi sống người dân trong khi bảo vệ đất nước khỏi những bất ổn từ nước ngoài – nguyên lý trọng tâm trong chiến lược kinh tế tuần hoàn kép của chính phủ. Nhu cầu về khả năng tự lực cao hơn xuất hiện khi đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động thương mại lương thực toàn cầu trong năm qua, khi các tranh chấp địa chính trị ngày càng trở nên tồi tệ, cũng như hạn hán và lũ lụt đã ảnh hưởng đến nguồn cung nông nghiệp trong nước.
“Tài liệu số 1” cho biết nước này sẽ cải thiện chính sách trợ cấp cho các nhà sản xuất ngô và đậu tương; khuyến khích trồng cây thức ăn chăn nuôi chất lượng cao như ngô ủ chua; ổn định sản lượng đậu tương; và bảo vệ năng lực sản xuất thịt lợn cơ bản đồng thời đa dạng hóa nguồn nhập khẩu nông sản.
Bộ cũng sẽ khuyến khích sử dụng các công nghệ tạo giống sinh học, chỉnh sửa gen, sinh học tổng hợp và trí tuệ nhân tạo hiện đại để tạo ra giống mới, năng suất cao cho các cây trồng chủ lực.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Zhang Taolin cho biết: “Giờ đây, ngành chăn nuôi toàn cầu đang trong quá trình cách mạng khoa học và công nghệ. Chúng ta cần nắm bắt cơ hội và tăng tốc độ đổi mới”.
“Tài liệu số 1” năm nay, lần đầu tiên nêu rõ chi tiết các chính sách hỗ trợ phát triển giống mới trong một phần riêng của báo cáo, sau cuộc họp hoạch định chính sách của hội nghị công tác kinh tế trung ương vào tháng 12 đã chỉ định ngành giống là một thành phần chính trong Chiến lược an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho biết kế hoạch mới càng làm nổi bật sự thúc đẩy mà Bắc Kinh đang đặt ra đối với sự tự chủ về nông nghiệp và công nghệ.
Kế hoạch mới này dựa trên cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình là ưu tiên phục hồi nông thôn sau khi Bắc Kinh tuyên bố chiến thắng vào năm ngoái trong cuộc chiến xóa nghèo cùng cực ở quốc gia này, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch. Tài liệu viết: “Nếu chúng ta muốn trẻ hóa đất nước, chúng ta phải hồi sinh nông thôn”, đồng thời kêu gọi cả nước giúp làm cho nông nghiệp trở nên “hiệu quả”, nông thôn “tốt để sống” và nông dân của đất nước “giàu có”.
Mạnh Hoàng