Ấn-Nga mở rộng quan hệ quốc phòng

Ngày 6/12, Ấn Độ và Nga đã ký kết hơn hai chục thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực và một hiệp ước hợp tác quốc phòng kéo dài 10 năm.

Kết quả chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin và hội nghị thượng đỉnh thường niên Ấn-Nga lần thứ 21 là 28 thỏa thuận được ký kết giữa hai nước. Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla cho biết hôm thứ Hai tại một cuộc họp báo: “Sự đa dạng của các thỏa thuận và [biên bản ghi nhớ] được ký ngày hôm nay cho thấy sự đa dạng trong quan hệ đối tác song phương của chúng ta”. Các thỏa thuận này trải rộng trên nhiều lĩnh vực bao gồm thương mại, năng lượng, khoa học và công nghệ, giáo dục và sở hữu trí tuệ.

Ông nói thêm: “Ấn Độ và Nga cũng đã ký một chương trình hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng trong 10 năm tới, từ năm 2021-2031.

Hai nước cũng đặt mục tiêu đạt 30 tỷ USD thương mại và 50 tỷ USD đầu tư vào năm 2025.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cũng đã gặp những người đồng cấp Ấn Độ trước cuộc gặp của Putin và Modi.

Chuyến thăm của Putin tới Ấn Độ diễn ra vào thời điểm mối quan hệ của Nga với Mỹ vẫn còn căng thẳng.

Về phần mình, Modi đã gặp Tổng thống Joe Biden vào tháng 9 và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ trực tiếp đầu tiên do Biden tổ chức. Mỹ coi Ấn Độ là đồng minh chủ chốt ở Châu Á-Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Trong một tuyên bố chung hôm thứ Hai, Ấn Độ và Nga cho biết họ có ý định “nâng cấp hợp tác quốc phòng, bao gồm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển chung và sản xuất thiết bị quân sự, linh kiện và phụ tùng thay thế, tăng cường hệ thống dịch vụ sau bán hàng, tiến tới công nhận kiểm soát chất lượng chung và thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung”.

Nga vẫn là một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ. Theo một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, khoảng 23% lượng vũ khí xuất khẩu của Nga từ năm 2016 đến năm 2020 được chuyển đến quốc gia Nam Á này.

Ngoại trưởng Shringla hôm thứ Hai cho biết Nga đã bắt đầu chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm xa S-400 cho Ấn Độ, dựa trên một thỏa thuận mà hai nước đã ký vào năm 2018.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã tăng cường mua thiết bị quân sự từ Mỹ, nhưng phần lớn vũ khí của nước này vẫn có nguồn gốc từ Nga.

Năm ngoái, Mỹ đã ký một thỏa thuận với Ấn Độ cho phép New Delhi truy cập dữ liệu vệ tinh của Mỹ, vốn là các dữ liệu rất quan trọng để nhắm mục tiêu tên lửa và các vũ khí quân sự khác.

Triệu Hoàng