Air India công bố đơn đặt hàng ‘lịch sử’ 470 máy bay Boeing và Airbus

Air India đã công bố các đơn đặt hàng tổng số 470 máy bay chở khách của Boeing và Airbus trong bối cảnh họ đang chạy đua để khai thác nhu cầu ngày càng tăng đối với du lịch hàng không giá cả phải chăng từ hàng ngũ người tiêu dùng trung lưu ngày càng tăng của quốc gia.

Air India – hãng hàng không quốc tế lớn nhất Ấn Độ và đồng thời là hãng hàng không nội địa lớn thứ hai của Ấn Độ – đang đặt mua 220 máy bay Boeing trị giá 34 tỷ đô la và 250 máy bay chở khách từ nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus.

Thương vụ máy bay Boeing với Air India là thương vụ lớn thứ ba lịch sử của nhà sản xuất máy bay Mỹ tính theo giá trị đô la và đứng thứ hai trong lịch sử về số lượng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi thỏa thuận này là “lịch sử” và đã thảo luận về nó qua điện thoại với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Air India đang tìm cách tái tạo lại chính mình bằng cách mở rộng hoạt động và hiện đại hóa đội bay của mình. Các máy bay phản lực mới sẽ giúp chủ sở hữu của hãng hàng không, Tata Sons, cạnh tranh với các đối thủ như IndiGo.

Ông Modi cho biết trong cuộc họp trực tuyến với Chủ tịch Tata Sons Natarajan Chandrasekaran và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: “Ấn Độ sẽ trở thành thị trường lớn thứ ba thế giới trong lĩnh vực hàng không”.

Trong 15 năm tới, ước tính Ấn Độ sẽ cần hơn 2.000 máy bay và “thông báo lịch sử ngày hôm nay sẽ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này”.

Ông Chandrasekaran cho biết công ty Airbus có trụ sở tại Toulouse, Pháp sẽ cung cấp cho Air India 40 máy bay thân rộng A350 Airbus và 210 máy bay thân hẹp A320neo khác.

Airbus không tiết lộ các điều khoản tài chính của thỏa thuận, có thể trị giá hàng chục tỷ đô la.

Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ở Ấn Độ và các nơi khác ở châu Á đã bùng nổ trong thập kỷ qua, được thúc đẩy bởi các nền kinh tế đang phát triển nhanh đã nâng cao thu nhập và khiến việc đi lại trở nên hợp túi tiền hơn đối với hàng triệu người.

Tata Sons, tập đoàn lâu đời nhất và lớn nhất của Ấn Độ, đã giành lại quyền sở hữu hãng hàng không quốc gia đang ngập trong nợ nần vào năm ngoái. Tập đoàn Tata đi tiên phong trong lĩnh vực hàng không thương mại ở Ấn Độ khi ra mắt hãng hàng không này vào năm 1932. Chính phủ đã tiếp quản nó vào năm 1953.

Modi và Macron đã hoan nghênh thỏa thuận với Airbus, cả hai đều nói rằng đó là dấu hiệu của việc tăng cường “quan hệ đối tác chiến lược” giữa các quốc gia của họ.

Hoàng Dũng