AFMGM 6 – Nêu cao quyết tâm chiến thắng đại dịch, tăng cường ổn định tài chính và khôi phục tăng trưởng khu vực ASEAN
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN lần thứ 6 (AFMGM 6) và các Hội nghị liên quan đã chính thức khép lại với thành công vượt trên mong đợi. Với sự nhất trí cao, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị
Phát biểu tại buổi họp báo về kết quả AFMGM 6 và các Hội nghị liên quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Hội nghị năm nay tập trung đối thoại về tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực, chính sách ứng phó đại dịch Covid-19; các biện pháp hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau dịch bệnh cũng như xem xét triển khai các sáng kiến hợp tác trong khuôn khổ Tiến trình hợp tác tài chính – ngân hàng ASEAN.
Trong đó Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ưu tiên thúc đẩy 2 sáng kiến “Tài chính bền vững” và “Kết nối thanh toán khu vực”, trên cơ sở chủ đề quốc gia ASEAN của Việt Nam năm 2020 là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN hoan nghênh các sáng kiến của Việt Nam trong việc tiếp tục thực hiện các mục tiêu thúc đẩy hội nhập và kết nối kinh tế tài chính nội khối trong khu vực ASEAN, qua đó góp phần làm sâu sắc hơn sự gắn kết của khu vực với cộng đồng quốc tế hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng và năng lực thể chế của ASEAN.
Kết tinh của các sáng kiến này là sự ra đời của “Báo cáo thúc đẩy tài chính bền vững trong ASEAN” và Bộ nguyên tắc hướng dẫn thực thi Khuôn khổ chính sách thanh toán ASEAN áp dụng cho thanh toán bán lẻ xuyên biên giới theo thời gian thực cùng với các phụ lục đi kèm đã được Hội nghị thông qua.
Thảo luận về tình hình kinh tế khu vực, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN đã chia sẻ với lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế về triển vọng kinh tế toàn cầu và khu vực, các rủi ro thách thức từ đại dịch Covid-19 cũng như các giải pháp chính sách để duy trì tăng trưởng bền vững và toàn diện trong khu vực.
Các Bộ trưởng và Thống đốc đều thừa nhận rằng đại dịch Covid-19 đã gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế cũng như sự ổn định tài chính của khu vực ASEAN. Trong bối cảnh này, các nước ASEAN một lần nữa khẳng định cam kết tiếp tục đưa ra các giải pháp chính sách để giảm thiểu tác động của đại dịch; đồng thời triển khai các phương pháp đặc biệt thông qua hỗ trợ tài chính, tiền tệ và tín dụng có mục tiêu nhằm đảm bảo ổn định hệ thống tài chính – ngân hàng khu vực, qua đó góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đa số các nước ASEAN dự kiến tăng trưởng âm, từ mức – 1% đến – 8% trong năm 2020; trừ 3 nước có tăng trưởng dương ở mức thấp, từ 1,4% đến 1,8%; trong đó có Việt Nam.
Đã xuất hiện các tín hiệu lạc quan khi các tổ chức quốc tế cho rằng mức tăng trưởng dương sẽ quay trở lại khu vực ASEAN trong năm 2021, từ 3% đến 6,5%. Trong đó, Việt Nam được ADB dự báo đạt tăng trưởng 6,3%.
Đặc biệt AFMGM 6 cũng khẳng định vai trò của Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN trong nỗ lực chung nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch tới khu vực, đảm bảo ổn định và hỗ trợ phát triển kinh tế; thể hiện qua việc triển khai kịp thời và hiệu quả các gói giải pháp tiền tệ và tài khóa, hoàn toàn phù hợp với tinh thần chung của Tuyên bố Chủ tịch ASEAN.
Nhấn mạnh dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 song tiến trình hợp tác tài chính tiền tệ khu vực ASEAN vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ASEAN cũng đồng thời tái khẳng định các cam kết để đảm bảo dòng chảy liên tục của hàng hóa – dịch vụ và bày tỏ tin tưởng rằng chính tinh thần đoàn kết, hợp tác sẽ là chìa khóa giúp ASEAN chiến thắng đại dịch, tăng cường ổn định tài chính và khôi phục tăng trưởng trong toàn khu vực ASEAN.
“Trong điều kiện kinh tế – tài chính mới, chúng tôi đã chú trọng thúc đẩy những vấn đề nổi lên gần đây trong tiến trình hợp tác khu vực như chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong dịch vụ tài chính, tài chính bền vững và tài chính toàn diện”- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng chia sẻ.
Xoay quanh các Hội nghị liên quan, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết tại Hội nghị của các Thống đốc Ngân hàng Trung ương, các Thống đốc đã có phiên đối thoại với đại diện Ngân hàng Thanh toán quốc tế, Tổng giám đốc của các ngân hàng thương mại ASEAN, và Hiệp hội Ngân hàng ASEAN về chủ đề thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng. Đáng chú ý, Việt Nam đã có sáng kiến về ngân hàng bền vững, Hội nghị nhất trí khởi động, xây dựng bộ ngân hàng bền vững của ASEAN.
Còn tại Hội nghị chung giữa Thống đốc Ngân hàng Trung ương và Bộ trưởng Tài chính ASEAN, các Thống đốc Ngân hàng Trung ương và Bộ trưởng Tài chính phiên đã đối thoại với các Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN, Hội đồng doanh nghiệp EU-ASEAN, Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ – ASEAN về thanh toán số, tài chính toàn diện, cơ sở hạ tầng bền vững.
Kim Phương