Thương chiến Mỹ – Trung đang là mối đe dọa lớn nhất của kinh tế toàn cầu
Đối với Chủ tịch sắp nhậm chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, thương chiến Mỹ – Trung hiện là mối đe dọa lớn nhất của nền kinh tế thế giới.
“Thương chiến giống như một đám mây đen lớn phủ bóng lên nền kinh tế toàn cầu”, bà Christine Lagarde phát biểu.
Bà Lagarde – người đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ năm 2011 và tháng 7 vừa qua được chọn là người kế nhiệm ông Mario Draghi trên cương vị Chủ tịch ECB từ ngày 1/11 – cho rằng thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc đã áp lên hàng hóa của nhau sẽ khiến kinh tế toàn cầu mất 0,8% tăng trưởng trong năm 2020.
“Đó là một con số lớn”, bà Lagarde nói với CNBC. “Điều đó đồng nghĩa với ít việc làm hơn, ít hoạt động kinh doanh hơn, ít đầu tư hơn, nhưng nhiều bấp bênh hơn. Thương chiến giống như một đám mây đen lớn phủ bóng lên nền kinh tế toàn cầu”.
“Tôi nghĩ rằng vấn đề thương mại đang là trở ngại lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu hiện nay”, bà Lagarde nhấn mạnh.
Trong một năm rưỡi qua, thương chiến Mỹ – Trung đã gây nhiều sóng gió trên thị trường tài chính và làm dấy lên nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu. “Tình trạng này càng kéo dài, thì sự bấp bênh càng lớn. Nếu bạn là một nhà đầu tư, một doanh nghiệp, thì bạn sẽ chẳng bỏ vốn ra để đầu tư mà muốn chờ cho tới khi mọi chuyện ngã ngũ. Bạn sẽ ngồi một chỗ và tự hỏi các chuỗi cung ứng sẽ thay đổi như thế nào”, bà Lagarde nói.
Không chỉ châm ngòi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Tổng thống Donald Trump còn đe dọa các đối tác thương mại châu Âu, cáo buộc các nước này có các hành vi bảo hộ thương mại. Gần đây, sau các cuộc trao đổi với lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), ông Trump tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng đạt một thỏa thuận thương mại mà ông cho là bình đẳng Mỹ – EU. Diễn biến này giảm bớt nguy cơ ông áp thuế quan lên ô tô nhập khẩu từ châu Âu vào Mỹ.
“Châu Âu và Mỹ đã là bạn bè của nhau hàng thập kỷ và hàng thế kỷ… Tôi rất biết ơn nước Mỹ về điều đó. Đó không phải là một mối quan hệ nên biến thành bất kỳ một dạng chiến tranh thương mại nào”, bà Lagarde phát biểu.
Không chỉ IMF, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mới đây cũng đưa ra dự báo ảm đạm về triển vọng kinh tế thế giới do ảnh hưởng của thương chiến. OECD cho rằng nền kinh thế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 2,9% trong năm nay và 3% trong năm 2020, tụt mạnh so với mức tăng 3,6% trong năm ngoái và đồng nghĩa với hai năm suy thoái liên tiếp.
Khánh Hòa