Nhà ở xã hội đã thiếu, chủ đầu tư lại xin chuyển thành nhà ở thương mại

Trong khi số lượng nhà ở cho công nhân mới chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu nhưng nhiều chủ đầu tư lại xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại. Vấn đề này được ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng nêu tại hội thảo tìm giải pháp an cư cho công nhân lao động ngày 24/9.

Chính sách nhà ở cho công nhân lao động thời gian qua được Đảng và Nhà nước rất quan tâm ở các góc độ như dự án nhà ở cho công nhân được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở để cho thuê mua, bán…

Hiện nay, nhà ở công nhân đã có 100 dự án hoàn thành, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn với tổng diện tích khoảng 2.050.000 m2. Tuy nhiên, theo ông Ninh, số lượng căn hộ này vẫn chẳng thấm vào đâu khi chỉ mới đáp ứng được khoảng 28% so với nhu cầu nhà ở của người lao động.

Cũng theo ông Ninh, hiện có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, hầu hết đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Thậm chí, có nhiều chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường thời gian gần đây rất hạn chế.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội; Hầu hết doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư nhà ở xã hội do vướng mắc về thủ tục; lợi nhuận bị khống chế.

Cho rằng còn rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, theo ông Ninh, vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn. Sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, nhưng ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở. Hiện nay ngân sách nhà nước mới chỉ bố trí được gần 1.200/9.000 tỷ cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước thì giai đoạn 2016-2020 cần bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho 4 ngân hàng thương mại để thực hiện cho vay ưu đãi theo quy định.

Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, hầu hết các khu công nghiệp tập trung đều thiếu hoặc không có nhà ở cho người lao động. Số lượng công nhân tăng nhanh nhưng trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp chưa tính tới nhu cầu về chỗ ở cho họ và các chính sách hiện có chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia xây nhà ở cho người lao động, nhất là vấn đề vốn và đất đai.

Để tháo gỡ bài toán an cư cho người lao động, Tổng Liên đoàn lao động đã triển khai đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”.

Theo tính toán ban đầu, mỗi căn hộ có diện tích từ 30 – 45 m2 gồm phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh… có giá từ 150 triệu đồng trở lên. Nếu mỗi cặp vợ chồng sẽ tiết kiệm 1,8-2 triệu/đồng/tháng, trong khoảng 5-7 năm sẽ mua được nhà ở diện tích 30 m2. Ðối tượng được mua nhà là đoàn viên công đoàn, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, công chức, viên chức cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn có thiết chế.

Thu Hoài