Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chính thức hết hiệu lực

Chính phủ vừa ban hành Danh mục 24 quy hoạch chính thức hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; trong đó có Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ ban hành năm 2014.

Thực tế việc cho Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 “chết yểu” là quyết định hoàn toàn đúng đắn bởi 5 năm trước, ngay khi Quy hoạch được phê duyệt, nhiều chuyên gia đã đặt nghi vấn không biết Chính phủ muốn gì ở ngành công nghiệp ô tô khi vừa muốn phát triển, vừa sợ hạ tầng giao thông quá tải!?

Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014 đặt ra những con số dự kiến tỷ trọng số lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước so với tổng nhu cầu nội địa; dự kiến sản lượng xe; dự kiến xuất khẩu xe nguyên chiếc và phụ tùng. Cụ thể về dự kiến tỷ trọng số lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước so với tổng nhu cầu nội địa: Xe ô tô đến 9 chỗ ngồi đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 60%; đến năm 2025 chiếm 65% và đến năm 2030 chiếm 70%. Xe ô tô trên 10 chỗ ngồi đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 90% và đến 2030 chiếm 92%. Xe ô tô tải đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 78% và đến năm 2030 chiếm 80%. Xe chuyên dùng đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 15% và đến năm 2030 chiếm 20%.

Về dự kiến sản lượng xe, dự kiến đến năm 2020 đạt hơn 227.000 chiếc; đến năm 2025 là hơn 466.000 chiếc và đến năm 2030 là gần 863.000 chiếc (trong đó ô tô dưới 9 chỗ ngồi hơn 452.000 chiếc, ô tô tải hơn 356.000 chiếc).

Về dự kiến xuất khẩu xe nguyên chiếc và phụ tùng, dự kiến đến 2020 xuất khẩu 20.000 chiếc và đến 2030 xuất khẩu 30.000 chiếc; xuất khẩu linh kiện, phụ tùng đến năm 2020 đạt 4 tỷ USD, đến năm 2030 đạt 6 tỷ USD.

Tuy nhiên qua 5 năm ban hành đã cho thấy thực trạng quy hoạch một đằng, thực tế một nẻo, quy hoạch không có giá trị định hướng trong thực tiễn. Trong vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển khá nhanh với tốc độ tăng trưởng trung bình xe sản xuất lắp ráp trong nước giai đoạn 2015-2018 đạt 10%. Tính đến hết năm 2018, cả nước có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô; trong đó, có 50 doanh nghiệp lắp ráp ôtô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô… Có nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước (Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda, GM, Chevrolet, Ford, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu, Mercedes-Benz, Hino) đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Ngành công nghiệp ô tô đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.

Hiện Chính phủ Việt Nam chủ trương phát triển ngành ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng của  đất nước đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng và các xe chuyên dụng. Phấn đấu trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng và một số cụm chi tiết có giá trị cao trong chuỗi sản xuất  công nghiệp ô tô thế giới  góp phần tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp khác.

Mới đây ngày 26/08/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết số 63/NQ-CP ban hành Danh mục các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Theo Nghị quyết số 63/NQ-CP, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã chính thức hết hiệu lực, trở thành một trong 24 quy hoạch “chết yểu” khi Chính phủ triển khai Luật Quy hoạch.

Để bảo hộ cho ngành sản xuất ô tô trong nước, tháng 11/2016, dù vấp phải nhiều phản ứng nhưng Chính phủ vẫn bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và thuyết phục được Quốc hội thông qua.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn non trẻ so với các nước trên thế giới, chính vì vậy việc đưa ngành sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô vào nhóm kinh doanh có điều kiện nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, xã hội và đất nước, không chỉ để bảo vệ cho sản xuất ô tô trong nước mà còn để ngăn chặn nguy cơ biến Việt Nam thành “bãi rác ô tô” của thế giới.

Ngọc Ánh