Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sụt giảm

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, sau khi giảm 5,5% trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng đầu năm 2019 lại tiếp tục giảm 10,5%.

Trước các vấn đề này, đích thân 2 Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp phát triển và Nông thôn đã điều hành “Hội nghị Phát triển xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc” để lắng nghe những vướng mắc từ doanh nghiệp xuất khẩu, các địa phương, cũng như chỉ đạo các biện pháp tháo gỡ tốt nhất cho xuất khẩu nhóm hàng này.

Khó từ phía thị trường Trung Quốc

Chỉ ra lý do sụt giảm, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh nguyên nhân đến từ nhu cầu tiêu thụ nội địa yếu đi, còn có nguyên nhân từ những động thái mới trong chính sách và thực thi chính sách của Trung Quốc.

Cụ thể, Trung Quốc đã cơ cấu lại bộ máy quản lý, sáp nhập Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch quốc gia (AQSIQ) về Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo ngành dọc.

Trung Quốc tăng cường công tác thực thi pháp luật, các chính sách thương mại biên giới được siết chặt theo hướng ngày càng đi vào chính quy, với trọng tâm là tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định của Trung Quốc đối với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền.

Và thách thức từ doanh nghiệp

Trước các thay đổi ngày càng khó hơn, ông Hải cho rằng, mặc dù Bộ Công Thương đã khuyến cáo, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về vấn đề này; tuy nhiên, một số địa phương và các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ, vẫn giữ cách thức “sản xuất, làm ăn manh mún”, duy trì và tận dụng phương thức trao đổi cư dân biên giới một cách chộp giật… dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến chất lượng và bị ép giá.

Đồng tình với phản ánh này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Dù kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc khá lớn, nhưng sản phẩm nông lâm thủy sản của chúng ta mới tiếp cận được một số thị trường của Trung Quốc chứ chưa đi sâu vào được thị trường lớn này, với hơn 1,4 tỷ dân số.

Xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản sang Trung Quốc nhiều năm qua vẫn chủ yếu dựa vào thương mại qua biên giới, dựa vào các điểm cửa khẩu thông quan chứ chưa đưa hàng hóa vào sâu nội địa. Bởi vậy, hàng hoá chưa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật, chưa tạo thành chuỗi bền vững.

Những quy định quản lý hoạt động xuất khẩu theo chính ngạch Trung Quốc đã ban hành từ rất lâu. Song 3 năm trở lại đây Trung Quốc mới tổ chức thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc hơn những quy định của họ. Do đó, điều này không phải là đột ngột. Nó cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nhưng chính việc này tác động không nhỏ đến sản xuất, xuất khẩu, đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu đặt ra về truy xuất nguồn gốc như vùng trồng, vùng sản xuất; đăng ký của cơ sản xuất; giấy chứng nhận của cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật. 3 điều này cùng với mẫu mã, bao bì đẹp…

Đến nay, 8 mặt hàng rau quả xuất chính ngạch, chúng ta đã làm được điều này. Tuy nhiên, bài toán đặt ra hiện nay là chúng ta cần triệt để chuyển xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Song theo tôi, để thay đổi được thói quen xuất khẩu tiểu ngạch, cần sự tăng cường tuyên truyền, tập huấn của các bộ, ngành đến người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu.

Thời gian tới, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp phát triển và Nông thôn và các bộ, ngành liên quan cần kịp thời có hướng dẫn, giải đáp về các quy định, tiêu chuẩn của Trung Quốc để các địa phương, doanh nghiệp, người nông dân được rõ. Các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có kế hoạch phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường.

Vấn đề logistics cho xuất khẩu sang Trung Quốc cũng cần được quan tâm. Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ, rà soát lại quy hoạch logistics gắn với khoản đầu tư của Chính phủ để phát triển logistics giao thông.

Định hướng xây dựng trung tâm logistics vùng, khu vực tạo ra kết nối thương mại chặt chẽ giữa các tỉnh, thành trong nước, kết nối hành lang kinh tế Việt Nam – Trung Quốc thông qua các cửa khẩu, cảng biển… tổ chức lại quản lý logistics tạo cơ chế đủ mạnh, đồng bộ chính sách. Dứt khoát chúng ta phải từng bước giải quyết, không chỉ câu chuyện nhập siêu mà phải giải quyết được cả câu chuyện “được mùa mất giá”, “được giá lại mất mùa”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Hàng ứ, ế… là do hậu quả của nền sản xuất hàng hoá chưa hiện đại. Sản xuất không có thông tin, sản xuất tươi là chính, không có chế biến, không có chỉ đạo sâu sát, thiết kế hạ tầng không phù hợp… Bây giờ yêu cầu sản xuất hàng hoá tập trung hiện đại nên cần sự vào cuộc mạnh mẽ của 2 bộ.

Phải yêu cầu sản xuất hiện đại, giải quyết tất cả các khâu, đó là có thông tin thị trường, sản xuất bằng phương thức gì, tăng cường chuỗi giá trị bằng chế biến hiện đại. Chúng ta có một niềm tin, bởi tiêu, điều, vải, hay sản phẩm rau quả của Sơn La, Bắc Giang là ví dụ. Sản xuất đúng lợi thế, không cần nhiều. Vải Bắc Giang năm nay chỉ bằng 2/3 năm ngoái, nhưng tổ chức tốt giá trị tăng 20%. Đồng bộ cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Từ khi vải còn xanh, Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa doanh nghiệp sang Trung Quốc bàn bạc với phía bạn về cách thức mẫu mã, đóng gói, đi theo con đường nào thì bàn bạc với Lạng Sơn…Nghĩa là cả khu vực Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành, các tỉnh, doanh nghiệp, người nông dân cùng đồng hành, đồng bộ từ khâu sản xuất, chế biến, tổ chức thị trường…

Trung Quốc là một thị trường cực kỳ tiềm năng cho nông sản Việt Nam. Với dân số đông, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, đây sẽ là một thị trường khổng lồ nếu chúng ta biết đáp ứng các yêu cầu mới của phía bạn.

Điều quan trọng nhất là phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ, để tổ chức sản xuất làm sao cho thị trường không bị thừa, tức là cân bằng sản xuất – tiêu thụ. Theo tôi, điều này Bộ Nông nghiệp phát triển và Nông thôn, Bộ Công Thương cần theo dõi sát diễn biến để từ đó chúng ta áp dụng 4 nhóm giải pháp:

Thứ nhất, bố trí sản xuất lệch thời vụ với bên Trung Quốc. Quả thanh long, dưa hấu bên Trung Quốc chỉ phát triển được trước tháng 11, còn với ta, từ tháng 11 đến tháng 4 sang năm. Như vậy, hai bên sẽ không xung đột về mặt thời điểm.

Thứ hai, tăng cường áp dụng khoa học – kỹ thuật, đặc biệt trong khâu chế biến để kéo dài thời gian bảo quản.

Thứ 3, phải tập trung nhiều thị trường, không chỉ trông chờ vào thị trường Trung Quốc. Bà con nông dân cũng cần chuyển hướng theo sản xuất theo yêu cầu, chất lượng của thị trường đòi hỏi.

Thứ 4, tăng cường nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ để đáp ứng nhiều tiêu chuẩn thị trường, để tăng sức cạnh tranh và để phân phối trên nhiều thị trường… Như vậy, chúng ta vẫn có thể phát triển thị trường, kể cả trên thị trường Trung Quốc.

Duy Sơn