Đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc
Mặc dù Hàn Quốc là thị trường vô cùng tiềm năng để các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam khai thác song đi kèm cơ hội là không ít rào cản, thách thức cần phải khắc phục; nhất là về vấn đề chất lượng, các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật…
Theo nhận xét của các chuyên gia, mặc dù Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) đã có hiệu lực được 4 năm (từ năm 2015) song việc thông thương các nguồn hàng giữa hai nước vẫn còn rất khiên tốn. Theo thống kê năm 2018, Hàn Quốc nhập khẩu 35,2 tỷ USD hàng nông sản; tuy nhiên trong số này hàng nông, lâm thuỷ sản của Việt Nam chỉ chiếm gần 6% thị phần (tương đương 2,145 tỷ USD). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 760 triệu USD. Trước tình hình trên, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, trong đó có các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản vào thị trường Hàn Quốc nhằm góp phần giảm bớt nhập siêu.
Theo ông Hong Sun – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham), Việt Nam là nước có sản lượng sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản lớn do các lợi thế về khí hậu, đất đai, nhân công… Tuy nhiên để gia tăng xuất khẩu hàng nông, thủy sản vào Hàn Quốc thì Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Về phía Chính phủ Hàn Quốc cũng đang đẩy mạnh xuất nhập khẩu nông sản tới các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Một trong những kênh kết nối hiệu quả đó là hợp tác giữa các doanh nghiệp nông sản của Hàn Quốc và Việt Nam với sự hỗ trợ bằng nhiều chính sách ưu đãi, khai thác các lợi thế mang lại từ VKFTA trong xuất khẩu hàng hóa, trong đó có mặt hàng nông sản, thủy sản.
Còn theo Tổng Giám đốc CJ Freshway Việt Nam – ông Son Sung Hoon, để gia tăng xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc, các doanh nghiệp Việt phải đảm bảo có nguồn cung nguyên liệu ổn định từ trang trại nuôi trồng. Các nước nhập khẩu như Hàn Quốc thường có quy định, tiêu chuẩn riêng đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu, chỉ cần hàng nguyên liệu thô của Việt Nam có vấn đề về chất lượng thì dù có sản xuất ra thành phẩm nào cũng không đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu vào Hàn Quốc. “Để tháo gỡ “nút thắt” này, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Việt Nam cần có những hướng dẫn chi tiết cho nông dân biết về những tiêu chuẩn, quy chế hàng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần hợp tác chặt chẽ với các nông trại trong việc kiểm soát quá trình sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của nhà nhập khẩu” – ông Son Sung Hoon khuyến nghị
Ở một khía cạnh khác, để thúc đẩy gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước, cần có một cơ chế thông tin thường xuyên giữa doanh nghiệp hai nước để chia sẻ thông tin thị trường, vùng nguyên liệu… , từ đó tăng cường hợp tác, thúc đẩy giao thương. Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam xem xét thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Việt – Hàn. Hiệp hội này sẽ góp phần tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn các ngành hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước và tạo điều kiện thúc đẩy thương mại song phương Việt – Hàn phát triển.
Ngọc Anh