VASEP dự báo xuất khẩu tôm sang Nhật sẽ tăng trưởng tốt

Sau khi giảm mạnh trong tháng 1 và tháng 4, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản trong 3 tháng 5, 6 và 7 đã có sự tăng trưởng ổn định hơn, đưa Đất nước mặt trời mọc tiếp tục duy trì vị thế thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam.

Theo thống kê, trong tháng 7/2019, xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản đạt gần 56 triệu USD, tăng 2,2%; tính chung 7 tháng đầu năm xuất khẩu tôm sang Nhật đạt gần 329 triệu USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên đây vẫn được coi là mức giảm nhẹ so với các thị trường chủ lực khác.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sở dĩ xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản 7 tháng đầu năm 2019 không bị giảm sâu như các thị trường chính khác một phần nhờ những lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Nhật Bản. Cụ thể Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Nhật Bản (AJCEP) có hiệu lực từ ngày 1/12/2008; Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ 1/10/2009 đã giúp tạo điều kiện thuận lợi về thuế quan cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản. Bên cạnh đó Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2019 cũng góp phần quan trọng giúp cho tôm Việt Nam gia tăng lợi thế tại xứ Phù Tang.

Hiện nay Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm 26% tổng giá trị nhập khẩu tôm của thị trường này. Các sản phẩm tôm của Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng có thể kể đến: tôm Nobashi, sushi, tôm sú Tempura áo bột; tôm chân trắng PD đông lạnh, tôm chân trắng lột vỏ bỏ đầu chừa đuôi đông lạnh…

Trong cơ cấu các sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật, tôm chân trắng vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 58,1%; tiếp sau là tôm sú chiếm 22,4% và tôm biển chiếm 19,5%. Trong số các sản phẩm tôm chân trắng xuất đi Nhật, tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh chiếm tỷ lệ cao hơn tôm chân trắng chế biến. 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh của Việt Nam sang Nhật Bản giảm hơn 10% trong khi xuất khẩu tôm chân trắng chế biến tăng nhẹ hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái.  Hiện giá tôm Việt vẫn đạt mức cao nhất trong số các nguồn cung tôm chính cho Nhật Bản với hơn 11 USD một kg; trong khi đó Thái Lan chỉ đạt 9,5 USD một kg, Ấn Độ đạt 9 USD một kg.

Do ngành kinh doanh thực phẩm ăn sẵn của Nhật Bản đang trên đà phát triển mạnh mẽ nên VASEP dự báo trong thời gian tới các sản phẩm tôm chế biến sẵn với tính tiện dụng cao sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt tại thị trường tiềm năng này.

Thái Hòa