Ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp
Tỷ lệ thuận với kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, thời gian qua Việt Nam cũng trở thành đối tượng bị theo dõi, điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ của nước nhập khẩu. Điều đáng lo ngại là xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới
Báo động đỏ
Theo lý giải của đại diện Bộ Công Thương, sở dĩ thời gian qua các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đổ vốn vào thị trường Việt Nam, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh là do Chính phủ Việt Nam luôn tạo chính sách thuận lợi đối với đầu tư nước ngoài. Chính điều này đã tác động đến việc nước ta bị kéo vào những vụ kiện; khiến việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ của các nước đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam cũng tăng theo.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy giai đoạn từ năm 2000-2016 có tới 15 vụ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại, trung bình 1 vụ/năm; riêng các năm 2017-2018, mỗi năm có tới 3 vụ kiện mà Bộ này phải giải quyết. “Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do các đối tác nhập khẩu nghi ngờ hàng hóa chưa đáp ứng điều kiện “chuyển đổi đáng kể” (tức tổ chức sản xuất theo đúng hàm lượng giá trị gia tăng được quy định để được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa) tại Việt Nam. Dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng khi Việt Nam do đã có những dấu hiệu về dịch chuyển đầu tư cũng như phạm vi, số lượng sản phẩm bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay đang gia tăng” – đại diện Bộ Công Thương khẳng định.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp có 4 vụ việc bị điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại, chiếm 20% trong tổng số các vụ kiện phòng vệ thương mại. Trong đó phía Thổ Nhĩ Kỳ đã kết luận lẩn tránh còn Hoa Kỳ vẫn đang điều tra, kết luận sơ bộ lần tránh với hàng nông nghiệp từ Việt Nam.
Trong bối cảnh các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam ngày càng tăng, Bộ Công Thương khuyến nghị Việt Nam cần phải nhanh chóng đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời, tích cực xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là hiện tượng gian lận xuất xứ ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp và ngành hàng cụ thể. Về lâu về dài, sẽ tác động tiêu cực đến sức cạnh tranh của cả nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ký kết hàng loạt Hiệp định, Thỏa thuận thương mại với các nước và khu vực trên thế giới.
Chủ động, quyết liệt vào cuộc
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết để ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là gian lận xuất xứ hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam trong thương mại quốc tế, thời gian qua Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực vào cuộc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể từ năm 2017, Bộ đã xây dựng danh sách hàng hóa trong diện cảnh báo nguy cơ lẩn tránh thuế; phối hợp, gửi thông tin tới các cơ quan liên quan để tăng cường kiểm tra, theo dõi. Chủ động phối hợp với cơ quan điều tra nước ngoài trong quá trình điều tra các vụ việc chống lẩn tránh thuế; tích cực tuyên truyền phổ biến các quy định về chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ; thường xuyên nghiên cứu, thông tin cho doanh nghiệp những thay đổi pháp lý liên quan đến điều tra lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ của nước ngoài.
Ngay sau khi Hoa Kỳ tăng thuế lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, Bộ Công Thương cũng đã có công văn gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị tăng cường kiểm tra hồ sơ cấp chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ với các nhóm sản phẩm như: gỗ, dệt may, da giày và túi xách, hàng điện tử và linh kiện, điện gia dụng và linh kiện, sắt thép, xe đạp…Bên cạnh đó Bộ cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa đối với các vụ việc lốp ô tô, thép cán mạ phủ sơn, tôm, pin mặt trời xuất khẩu sang EU… Trong các vụ việc này, sau khi kiểm tra những trường hợp nghi vấn, làm rõ thông tin, Bộ đã có kiến nghị và chuyển các đơn vị liên quan xử lý; đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan điều tra của Hoa Kỳ, EU trong các vụ việc điều tra.
Trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung ngày càng khốc liệt, xu thế bảo hộ gia tăng, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” trình Thủ tướng Chính phủ. Ngày 4/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án này. Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã khẩn trương ban hành kế hoạch hành động; thành lập tổ công tác liên ngành về phòng, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương và gian lận xuất xứ hàng hóa; đồng thời yêu cầu Cục Quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các mặt hàng có nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
Ngọc Anh