Hãng hàng không của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hội đủ điều kiện để thành lập
Mới đây trong báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air của Công ty CP hàng không Vinpearl Air, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá dự án này hội đủ điều kiện để Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô đến 30 máy bay vào năm 2025.
Theo báo cáo của Cục Hàng không, Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng, dự kiến đặt căn cứ tại Sân bay Nội Bài (Hà Nội) với số đỗ tàu bay qua đêm năm 2020 là 2 vị trí. Hãng này sẽ kinh doanh vận chuyển hàng không quốc tế, nội địa và dự kiến bắt đầu khai thác thương mại vào tháng 7/2020 với đội máy bay 6 chiếc. Sau đó mỗi năm, Vinpearl Air sẽ đưa thêm khoảng 6 tàu bay vào khai thác, nâng tổng số tàu bay lên 36 chiếc vào năm 2025.
Vinpearl Air cũng dự kiến sẽ khai thác các loại máy bay thân hẹp Airbus A320, A321 hoặc Boeing B737 và máy bay thân rộng Airbus A330, A350 hoặc Boeing 787. Theo kế hoạch, đến năm 2025, mạng đường bay của Vinpearl Air dự kiến khai thác lên tới 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế.
Sau khi thẩm định, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá dự án Vinpearl Air nằm trong quy hoạch phát triển doanh nghiệp vận chuyển hàng không mới và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, phù hợp với chính sách phát triển vận tải hàng không của Chính phủ. Tuy nhiên Cục Hàng không cũng lưu ý Vinpearl Air về quy mô đội bay 36 chiếc vào năm 2025 có khả năng sẽ vượt quá nhu cầu của thị trường, trong trường hợp Vietnam Airlines thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh cao và các hãng hàng không thực hiện theo đúng kế hoạch đội bay đã báo cáo Cục Hàng không. Do vậy Cục Hàng không thấy quy mô đội bay của Vinpearl Air nên ở mức 30 máy bay vào năm 2025 là phù hợp với Quyết định 236 của Thủ tướng về quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Được biết, Bộ GTVT sẽ là cơ quan ra quyết định cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vinpearl Air. Ngay cả khi được cấp phép, Vinpearl Air vẫn cần có thêm chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) và triển khai các công tác cụ thể liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ.
Theo báo cáo tài chính gần nhất của Vingroup, công ty con Vinpearl của tỷ phú Phạm Nhật Vượng này đã nắm 80% cổ phần của Vinpearl Air. Do Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang nắm giữ 64,56% tỷ lệ lợi ích tại Vinpearl nên Vingroup gián tiếp nắm giữ 51,65% tỷ lệ lợi ích tại Vinpearl Air.
Ngay sau khi thành lập công ty chuyên kinh doanh vận chuyển hành khách hàng không, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng tuyên bố mở trường đào tạo phi công và thợ máy tại Việt Nam với tên gọi Trường Đào tạo Nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không (VinAviation School). Mỗi năm, trường này dự kiến đào tạo 400 học viên. |
Kim Phương