Chuyển mạng giữ số đang là mối nguy của Vietnamobile

Việc Công ty Cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho tạm dừng cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số (MNP) cho thấy dịch vụ này đang là “mối nguy” với Vietnamobile.

Sau hơn 7 tháng tham gia cuộc chơi chuyển mạng giữ số, chậm hơn tháng rưỡi so với các nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone, dịch vụ này đã lấy đi 39.675 thuê bao của Vietnamobile (tính đến ngày 11/8/2019, theo số liệu của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông), trong khi thuê bao từ các mạng khác chuyển đến chỉ vỏn vẹn 948 thuê bao, tức Vietnamobile đang bị âm (-) 38.727 thuê bao.

Thực ra nhìn vào bảng thống kê kết quả thực hiện dịch vụ MNP của Cục Viễn thông không cho thấy biến động lớn đối với Vietnamobile hay có ý nghĩa lắm về mặt hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì số lượng thuê bao chuyển đi thành công (cùng thời điểm trên) của các nhà mạng lớn còn lớn hơn gấp nhiều lần so với Vietnamobile, như Viettel là 337.145 thuê bao, VinaPhone là 238.189 và MobiFone là 126.801 thuê bao chuyển đi thành công.

Tất nhiên, số thuê bao chuyển đến thành công của các nhà mạng lớn trên cũng rất cao, trong đó Viettel là 317.337 (-19.808), MobiFone là 122.307 (- 4.494) và VinaPhone có 301.218 thuê bao chuyển đến thành công (+63.029 thuê bao). Qua đó cho thấy chỉ VinaPhone là được lợi, các mạng còn lại đều âm, trong đó Vietnamobile âm lớn nhất và gấp đôi Viettel. Dù vậy, theo các nhà mạng lớn, việc có âm tới vài ba chục nghìn thuê bao cũng không có gì đáng lo ngại, vì con số này là quá nhỏ.

Nhưng với Vietnamobile lại khác. Theo một số thống kê, Vietnamobile đang chiếm 3,6% thị phần tương đương 4,5 triệu thuê bao, trong khi đó Viettel với 50,6% thị phần (có khoảng 67 triệu thuê bao), VinaPhone 24,8% (khoảng 33,1 triệu thuê bao) và MobiFone là 20,16% thị phần (khoảng 27 triệu thuê bao).

Số lượng thuê bao vốn đã rất thấp như trên nhưng mỗi ngày mới bắt đầu Vietnamobile lại mất đi 175,2 thuê bao, trong khi Viettel chỉ mất 89,6 thuê bao/ngày, VinaPhone được thêm 285,2 thuê bao và MobiFone mất 20,3 thuê bao (tính theo số thuê bao đã chuyển mạng thành công). Thêm nữa, thị trường viễn thông di động được xem đã bão hòa nên việc phát triển thuê bao mới là rất khó, khó khăn do vậy như được nhân đôi cho Vietnamobile.

Tỉ lệ thuê bao mong muốn chuyển mạng cũng là một chỉ dấu cho thấy “mối nguy” của di động nhỏ này trong cuộc chơi MNP. Bởi có số lượng thuê bao thấp nên chỉ số này của Vietnamobile cũng cao hơn hẳn so với các nhà mạng lớn. Trung bình cứ 65,1 thuê bao của Vietnamobile thì có 1 đăng ký chuyển đi, trong khi Viettel là 168,1, VinaPhone là 109,3 và MobiFone là 154,7 thuê bao.

Một chuyên gia viễn thông cho biết, số lượng thuê bao chuyển mạng chưa phản ánh về mối nguy hay bắt đầu có vấn đề đối với nhà mạng mà quan trọng là con số này tác động như nào đến doanh thu của nhà mạng. Ông cho biết thông thường nếu số thuê bao chuyển mạng tác động đến 2% doanh thu của nhà mạng thì khi đó được xem là bắt đầu có vấn đề.

Lý do Vietnamobile xin tạm dừng dịch vụ MNP bởi thời điểm hiện tại nhà mạng cần đầu tư thêm để thu hút khách hàng cũng như tập trung cải tiến lại một số bộ phận tổ chức và thiết bị công nghệ để đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu trải nghiệm của người dùng.

Trước đó một đại diện nhà mạng này than phiền rằng hiện cuộc chơi MNP giữa các nhà mạng cũng không được sòng phẳng khi Vietnamobile có tỉ lệ thuê bao chuyển đi thành công luôn lớn hơn nhiều so với tỉ lệ thuê bao chuyển đến thành công. Thống kê đến ngày 11/8, tỉ lệ thuê bao Vietnamobile chuyển đi thành công là 57,7%, còn thuê bao các mạng khác chuyển đến thành công là 21,1%. “Như thế là các nhà mạng khác đã hạn chế, cản trở thuê bao mong muốn đến với Vietnamobile”, vị này bức xúc.

Vị đại diện còn phân tích, theo nghiên cứu trên thế giới, khi triển khai MNP là tạo cơ sở cho các nhà mạng, đặc biệt là mạng nhỏ phát triển, gia tăng thị phần do có những chính sách chăm sóc khách hàng, chính sách gói cước linh hoạt, nhạy bén. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì ngược lại – mạng nhỏ, dù có nhiều gói cước sáng tạo, hấp dẫn nhưng lại đang mất dần thị phần.

“Ngoài ra, ở Việt Nam, cụ thể như trong tổng số thuê bao Vietnamobile chuyển mạng thì chỉ có 20-30% là nhu cầu thực còn lại 70-80% là do các đại lý, cơ sở thu gom để buôn bán SIM số chuyển mạng kiếm lời. Điều này cũng gây ra những bất lợi cho Vietnamobile” – theo chia sẻ từ đại diện Vietnamobile.

Đó là những lý giải của nhà mạng. Thực tế chỉ cần căn cứ vào kết quả con số chuyển đến chuyển đi ở trên để thấy việc đề nghị tạm dừng cung cấp dịch vụ MNP của Vietnamobile cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, dù vậy, những khó khăn của Vietnamobile hiện nay rất khó có thể khắc phục trong một sớm một chiều. Hạn chế về vùng phủ sóng khiến việc trải nghiệm, nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng nhà mạng bị tác động đáng kể và đây được xem là lý do cơ bản nhất khiến thuê bao của Vietnamobile rời mạng.

Khó khăn về băng tần được Vietnamobile nhiều lần phản ánh thậm chí hồi đầu năm nay nhà mạng này còn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, theo đó nhà mạng đề nghị được phân bổ thêm băng tần 850 MHz để tạo sự cạnh tranh và đem lại lợi ích cho người tiêu dùng; đề nghị có chính sách hợp lý, thoả đáng trong đấu thầu tần số 2600 MHz để các doanh nghiệp viễn thông di động nhỏ như Vietnamobile và Gtel có cơ hội được sử dụng băng tần này.

Vietnamobie cũng đề nghị Chính phủ có chỉ đạo, định hướng để nhà mạng được thương lượng việc sử dụng chung băng tần 1800Mhz và 210 Mhz với các nhà mạng hiện có để tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên tần số của quốc gia.

Chỉ khi nào có được lượng băng tần đủ tốt, đủ cạnh tranh thì Vietnamobile mới có cơ sở để xây dựng một hạ tầng mạng lưới chất lượng. Không khó khăn với nhà mạng này vẫn là… “con đường dài vô tận”.

Anh Đức