Thế giới sẽ thế nào khi trí tuệ nhân tạo hiện diện khắp nơi
Tháng 6/1956, một nhóm các nhà khoa học và toán học từ khắp nước Mỹ tụ họp tại Đại học Dartmouth. Sau khi dạo quanh khuôn viên xinh đẹp, họ lên tầng cao nhất của khoa toán, nơi một nhóm người đàn ông mặc áo sơ mi trắng đang tranh luận về một chủ đề mới, mới đến mức còn chưa có tên gọi. Những gì họ đang bàn là làm sao tạo ra được một cỗ máy biết nghĩ.
Một số nhân vật đình đám giới công nghệ như Bill Gates và Elon Musk cảnh báo nguy cơ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hủy hoại hành tinh.
“Mọi người không thống nhất được việc nó là gì, thực hiện nó thế nào, hay gọi nó ra sao”, Grace Solomonoff, góa phụ của một trong những nhà khoa học, sau này kể lại. Các cuộc thảo luận, từ điều khiển học tới thuyết logic, kéo dài hàng tuần trong không khí sôi sục. Hội thảo Dartmouth là một trong những sự khởi đầu cho công cuộc tìm kiếm kéo dài hàng thập kỷ về trí thông minh nhân tạo. Kết quả thu về có tiềm năng, có thất vọng, nhưng hàng loạt quốc gia vẫn đang tiếp tục đổ hàng tỷ USD vào AI.
Nhưng các nhà nghiên cứu ngày nay không chỉ nói đến AI chung (General AI) – những cỗ máy có suy nghĩ như con người, mà còn phát triển theo hướng AI hẹp (Narrow AI) với nhiệm vụ thực hiện những tác vụ riêng. Chẳng hạn, các tổ chức tài chính dùng AI để dự đoán thị trường chứng khoán. Google đưa AI vào việc chẩn đoán bệnh tim. American Express ứng dụng AI bot để phục vụ khách hàng trực tuyến. Microsoft đầu tư 50 triệu USD phát triển AI giúp ngăn ngừa biến đổi khí hậu. IBM triển khai AI để điều trị bệnh ung thư…
Trong số đó, “máy học” đã trở thành một hướng tiếp cận mới của AI. Các thuật toán có thể tự rèn luyện chúng thông qua kho dữ liệu khổng lồ và mang lại nhiều kết quả gây sốc ngay cả với những người lạc quan nhất trong lĩnh vực này. Đầu năm 2018, hai hệ thống AI, một được tạo bởi Alibaba (Trung Quốc) và một đến từ Microsoft, đã đánh bại con người trong cuộc thi đọc hiểu. Các thuật toán “đọc” các bài viết trên Wikipedia về nhiều chủ đề như sự trỗi dậy của Thành Cát Tư Hãn hay chương trình thám hiểm mặt trăng Apollo, sau đó trả lời một loạt câu hỏi với tỷ lệ chính xác cao hơn con người.
Khái niệm quyền riêng tư được cho là sẽ biến mất vào năm 2060. Khi chính phủ ứng dụng AI, trí tuệ nhân tạo sẽ thâm nhập và kiểm soát mọi thứ diễn ra trong cuộc sống, từ việc bạn đi đâu, làm gì cho đến nội dung buổi tán gẫu về thời tiết với bạn bè.
Các giải pháp AI hẹp đang tồn tại khắp nơi, trong hệ thống GPS, trong các trợ lý ảo, trong việc đề xuất phim trên Netflix… Nhưng thứ mà giới khoa học vẫn kỳ vọng, hoặc lo sợ, sẽ xảy ra trong tương lai là General AI – một hệ thống có thể tự dạy chính mình để đảm nhận trọng trách trong hàng loạt lĩnh vực. Một số nhà khoa học tin thế giới cần thêm 30 năm, trong khi nhiều người khác lại cho rằng phải đợi hàng thế kỷ nữa mới có một cỗ máy như vậy.
Khi General AI như thế xuất hiện, nó sẽ lấy đi công việc của con người, đảm nhận việc lái xe, làm bác sĩ chụp X quang… Người máy AI sẽ chăm sóc người già, nhà khoa học AI sẽ giải quyết các vấn đề hóc búa, tàu vũ trụ AI sẽ tiến đến các hành tinh xa xôi… Bản thân mỗi người cũng có một AI cá nhân. Nó có thể thay bạn chọn bạn đời. Nếu nhận ra bạn sẽ hạnh phúc hơn khi li dị, nó sẽ tiến hành để điều đó xảy ra, giúp bạn viết các thỏa thuận, phân chia tài sản… AI cũng sẽ đại diện bạn trong việc bầu cử.
“AI sẽ thống trị và làm thay đổi toàn bộ vũ trụ”, Juergen Schmidhuber, nhà khoa học máy tính tại Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo Dalle Molle (Thụy Sĩ), nhận định.
“Tôi lo lắng trước viễn cảnh thế giới tràn ngập những robot không cảm xúc. Nó có thể là một thảm họa”, Giáo sư triết học David Chalmers tại Đại học New York nói.
Không chỉ Chalmers, nhiều nhân vật nổi đình đám như nhà vật lý học Stephen Hawking, tỷ phú Bill Gates và Elon Musk cũng đều cảnh báo nguy cơ AI có thể hủy hoại hành tinh. “Trí tuệ nhân tạo có thể là điều tồi tệ nhất lịch sử nhân loại. Sớm muộn chúng sẽ không thể bị kiểm soát”, Hawking nhiều lần khuyến cáo khi còn sống.
“Tôi thực sự rất gần với những công nghệ mới của AI. Điều này khiến tôi khiếp sợ”, tỷ phú Elon Musk nói. “Hãy nhớ lời tôi: AI nguy hiểm hơn hạt nhân nhiều”. Bill Gates đồng ý với quan điểm của Musk và cho rằng thật khó hiểu khi nhiều người coi những lời cảnh báo đó không đáng lo ngại.
Dù vậy, nhiều nhà nghiên cứu lại nhận định viễn cảnh thiên đường hay địa ngục từ AI giống như tỷ lệ trúng xổ số độc đắc, tức rất khó diễn ra. Thế giới sẽ không xây dựng các hệ thống AI mà con người vẫn thường mơ ước hay lo sợ, mà xây dựng hệ thống AI mà họ hướng đến. Có nghĩa, AI sẽ đóng là một công cụ, như lửa hay ngôn ngữ. Nó có mặt trái, thậm chí có thể gây thảm họa, nhưng những lợi ích mà nó đem lại còn lớn hơn thế. Việc thiết kế và sử dụng nó như thế nào mới là quan trọng.
Anh Đức