Thương chiến Mỹ – Trung và tác động dây chuyền lên các nền kinh tế khác
Không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế mỗi nước, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang ở đỉnh điểm khốc liệt cũng bắt đầu có ảnh hưởng tới một loạt các nền kinh tế khác và làm tổn thương nền kinh tế thế giới.
Nguy cơ bóng tối bao phủ lên nền kinh tế toàn cầu
Trước quyết định áp thuế của Mỹ, Trung Quốc dường như cũng có những động thái tạo ra bước ngoặt lớn khi ngày 5/8 vừa qua đồng Nhân dân tệ (DNT) đã bất ngờ giảm mạnh 1,3% so với đồng USD, đánh dấu lần đầu tiên vượt ngưỡng 7 NDT/USD – mức giá trị thấp nhất kể từ năm 2008. Đồng NDT tiếp tục được dự đoán sẽ yếu dần đi trong năm 2020 giữa bối cảnh chính quyền Trung Quốc thay đổi chiến lược đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại.
Bước chuyển của Trung Quốc từ nhượng bộ sang sẵn sàng nghênh chiến với Mỹ đã có ảnh hưởng sâu rộng đối với kinh tế thế giới. Việc đồng NDT yếu đi đã làm biến động thị trường tiền tệ, khiến 11 đồng tiền khu vực cũng yếu theo. Trong đó đồng Won của Hàn Quốc chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi chuỗi cung ứng mật thiết với Trung Quốc; bên cạnh đó xứ sở Kim chi cũng phải tăng cường tính cạnh tranh do là nhà xuất khẩu lớn. Đồng Rupee của Ấn Độ cũng yếu đi, mặc dù Ấn Độ không trực tiếp bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Tại Trung Quốc, nhiều người đã nhanh chóng quy đổi NDT sang loại tiền tệ khác vì lo ngại mất giá. Ông Tommy Xie Dongming – Nhà kinh tế học của Ngân hàng OCBC nhận định: “Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang phát đi thông điệp rằng mốc 7,0 không còn quá quan trọng. Bắc Kinh muốn làm chậm lại đà giảm giá của NDT. Về cơ bản, chúng ta đã thấy sự thay đổi trong thái độ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Tiền tệ đã trở thành công cụ để họ phản ứng lại ảnh hưởng của thương chiến”.
Còn ông Robin Xing – Nhà kinh tế chuyên về Trung Quốc tại Ngân hàng Morgan Stanley lại cho rằng đồng NDT yếu đi sẽ giúp nền kinh tế Trung Quốc đạt được một ít lợi thế trong chiến tranh thương mại. Nếu Mỹ tiếp tục áp 10% thuế quan đối với 300 tỉ USD hàng nhập khẩu còn lại, Trung Quốc sẽ tăng cường đòn đáp trả và điều này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu. Và nếu Mỹ tăng toàn bộ thuế quan lên 25% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc thì nền kinh tế thế giới có thể bước vào khủng hoảng trong vòng khoảng 9 tháng.
Áp lực đè nặng lên Việt Nam
Liên tiếp những đòn “ăn miếng trả miếng” được hai cường quốc hàng đầu thế giới tung ra không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế mỗi nước mà còn ảnh hưởng dây chuyền tới một loạt các nền kinh tế khác và làm tổn thương nền kinh tế thế giới. Đối với Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế nhận định với cuộc thương chiến Mỹ – Trung Quốc, Việt Nam có thể phải đối diện với một số áp lực nhất định.
Việc đồng NDT phá thủng cột mốc quan trọng 7 NDT đổi 1 USD được ông Hiếu nhìn nhận như là sự phản đòn của Bắc Kinh với việc Tổng thống Trump áp 10% thuế lên 300 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc. Động thái này thực sự tạo ra nhiều áp lực cho Việt Nam. Đồng NDT mất giá, VNĐ ổn định với USD thì có nghĩa NDT mất giá so với VNĐ. Điều này sẽ khuyến khích hàng hoá Trung Quốc tràn vào Việt Nam nhiều hơn; đồng thời tạo ra những bất lợi trong quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc khi tăng nhập siêu từ nước này. “Điều cần thiết lúc này là cần có sự điều chỉnh chính sách tiền tệ ở mức độ nào đó để trung hoà việc đồng NDT đang bị mất giá rất mạnh so với đồng USD” – ông Hiếu nhận định.
Đối với vấn đề lãi suất, ông Hiếu cho biết hiện lãi suất cho vay của các ngân hàng lớn đã giảm đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên điều này không diễn ra trong toàn ngành. Nếu lãi suất huy động giảm mà tỷ giá gia tăng nghĩa là giá trị USD so với VNĐ tăng, có thể tạo ra hiện tượng rút tiền đồng ồ ạt để đầu cơ USD. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, giảm việc lãi suất trong nước là rất khó.
Khẳng định quan điểm về việc điều chỉnh giá trị VNĐ, ông Hiếu cũng đồng thời cho biết nhiều khả năng các nước trên thế giới đang dần tiến vào cuộc chiến tranh tiền tệ. Trong cuộc chiến đó, các nước sẽ tìm cách đẩy giá trị của đồng tiền xuống so với đồng USD để tạo cạnh tranh trong xuất khẩu. “Có thể Việt Nam nên đi theo hướng đó, nếu cố thủ chúng ta sẽ gặp bất lợi trong xuất khẩu, nhất là khi kinh tế Việt Nam dựa rất nhiều vào hoạt động này” – ông Hiếu nhấn mạnh.
Trân Nguyễn