Đón sóng EVFTA, cẩn trọng đầu tư cổ phiếu nhóm ngành hưởng lợi

Với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVIPA) chính thức được ký kết, giao dịch trên thị trường chứng khoán những phiên gần đây đã sôi động hơn rất nhiều. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế khuyến nghị nhà đầu tư cần cân nhắc, phân tích kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư vào cổ phiếu các nhóm ngành được hưởng lợi từ EVFTA.

Cơ hội nhiều, thách thức không ít

EVFTA mang lại cơ hội lớn cho ngành da giày, dệt may song để tận dụng được lợi thế này, các doanh nghiệp trong ngành cũng phải đối mặt với không ít thách thức bởi chỉ có các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu khép kín từ sợi – vải – may, tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ mới được miễn thuế. Cụ thể đối với ngành dệt may, để có thể được giảm thuế theo quy định tại Hiệp định, các sản phẩm phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ, thỏa mãn 2 điều kiện: vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU; việc cắt và may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU. Tuy nhiên trên thực tế, nguyên liệu vải các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sử dụng đa phần có xuất xứ từ Đài Loan và Trung Quốc – là những quốc gia, vùng lãnh thổ chưa có FTA với EU. Do vậy để tối đa hóa lợi ích có được từ EVFTA, các doanh nghiệp Việt cần phải chú trọng phát triển nguồn nguyên liệu; đồng thời sớm tăng cường việc sử dụng vải có xuất xứ từ Hàn Quốc để có thể tận dụng được lợi ích từ Hiệp định EVFTA trong khi ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển kịp. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể tận dụng việc Hiệp định EVFTA ký kết và nhập khẩu các nguyên vật liệu (đặc biệt là vải) có xuất xứ từ châu Âu, qua đó nâng cao giá trị và chất lượng của sản phẩm.

Với nhóm cổ phiếu các doanh nghiệp ngành giày dép, EU cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực cho 37% số dòng thuế ngành giày dép; số còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 đến 7 năm. Như vậy trong vài năm đầu thực hiện EVFTA, phần lớn các sản phẩm giày da sẽ chưa có lợi từ EVFTA, thậm chí là bị ảnh hưởng bất lợi, do mức thuế giảm dần đều từ mức 12,4% vẫn sẽ cao hơn mức 3- 4% theo GSP.

Riêng đối với nhóm cổ phiếu doanh nghiệp cá tra, khi Hiệp định EVFTA được ký kết, thuế xuất khẩu cá tra vào EU được cắt giảm từ 5,5% xuống 0% theo lộ trình 3 năm, giúp cá tra Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh. Tuy nhiên, thị trường EU đang có sự chuyển dịch trong xu hướng tiêu thụ thủy sản khi ưu tiên lựa chọn thực phẩm tự nhiên hơn và các sản phẩm chất lượng cao hơn. Do đó, các sản phẩm cá tra xuất vào thị trường này phải đáp ứng tiêu chuẩn ASC (Aquaculture Stewardship Council – Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) từ EU.

Chủ động cải thiện năng lực cạnh tranh

Ông Jean Jacques Bouflet – Phó Chủ tịch EuroCham khẳng định EVFTA có thể giúp giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 20% vào năm 2020 và tăng đến 44,37% vào năm 2030. Đặc biệt, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 2,18-3,25% trong giai đoạn 2019-2023 và tăng 4,57-5,3% từ năm 2024-2028. Tuy nhiên ông Jean Jacques Bouflet cũng đồng thời khuyến nghị để tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan do EVFTA mang lại, từ đó nâng cao kim ngạch xuất khẩu sang EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần bắt tay ngay vào việc đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU, cải thiện năng lực cạnh tranh để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia về mặt chất lượng, uy tín sản phẩm.

Với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết 42,5% số dòng thuế được xóa bỏ thuế ngay, số còn lại về 0% sau 3-7 năm. EVFTA sẽ là hiệp định thương mại tác động đến phát triển của ngành dệt may Việt Nam rõ nét nhất, mở ra cơ hội thu hút đầu tư trong lĩnh vực dệt nhuộm, điểm nghẽn của ngành dệt may hiện nay trong vấn đề nguyên liệu nguồn. Với trình độ công nghệ đi đầu trong lĩnh vực xanh hóa ngành dệt may, các thiết bị máy móc trong lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm từ EU sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, đầu tư thiết bị trong lĩnh vực dệt, sợi; từ đó mới giải quyết được nguồn cung vải thiếu hụt từ lĩnh vực sản xuất dệt nhuộm hoàn tất.

Như vậy, có thể thấy cổ phiếu của các nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp từ EVFTA như dệt may, da giày, thủy sản… có tiềm năng lớn để đón cơ hội tăng trưởng song cũng cần sự cẩn trọng cũng như những bước chuẩn bị kỹ lưỡng của doanh nghiệp. Đặc biệt nhà đầu tư bỏ vốn vào nhóm cổ phiếu này cũng cần xác định rõ bước đầu tư dài hạn trên thị trường. Ngoài các nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp, những ngành hàng khác cũng được hưởng lợi gián tiếp từ lộ trình cam kết giảm thuế của EVFTA như: logistics, xây dựng cơ sở hạ tầng, bất động sản KCN.

Huy Hoàng