Tiêu chuẩn nào cho “Made in Vietnam” trong sản xuất và công nghiệp

Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn “Made in Vietnam” trong sản xuất và công nghiệp cùng với tiến trình Hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế đã trở thành một xu thế lớn của thế giới hiện đại và diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Và chúng ta đang sống trong một thời kỳ hội nhập kinh tế mạnh mẽ ở cả ba cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia.

1. Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ với sự phát triển của kinh tế thị trường và kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, ngày nay người ta không chỉ nói đến quy luật tự nhiên “ vạn vật hấp dẫn ’’ mà ngày càng nói nhiều đến các thị trường tự do với quy luật “ vạn vật kết nối ” (Internet of things) nhờ sự tiến bộ của Khoa học và Công nghệ.

2. Trải qua hơn 55 năm hình thành và phát triển, và đặc biệt trong 10 năm qua, khu vực sản xuất và dịch vụ trong ASEAN được tự do hoá đang hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Hiện ASEAN là một trong những tổ chức khu vực có nhiều hiệp định thương mại nhất và đang đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mở ra không gian rộng lớn cho đầu tư – thương mại không chỉ trong khu vực Đông Nam Á, mà còn cả khu vực Thái Bình Dương. ASEAN cũng đang thảo luận với Ca-na-đa về hình thành một hiệp định thương mại tự do; thảo luận với Cộng đồng kinh tế Á – Âu về khả năng hình thành một hiệp định thương mại tự do. Năm tới 2020, Việt Nam sẽ nắm vai trò là Chủ tịch ASEAN và dự kiến với vai trò này, Việt Nam sẽ góp phần nâng vị thế của cộng đồng kinh tế AEC lên một tầm cao mới.

3. Nền kinh tế Việt Nam với sự chỉ đạo của một Chính phủ kiến tạo, đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới với đà tăng trưởng nhanh và bền vững.

Một trong những thành công của Chính phủ kiến tạo là chúng ta đã tích cực tham gia đàm phán, thúc đẩy hội nhập và thông qua CPTPP vào cuối năm 2018. Việc trở thành thành viên của Hiệp định CPTPP có thể xem như một dấu mốc rất quan trọng trong quá trình hội nhập của Việt Nam. Về phần EVFTA, theo một số nghiên cứu, EVFTA thậm chí còn mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam hơn cả CPTPP do triển vọng của thị trường Châu Âu là rất lớn. Trong khi với CPTPP, hầu hết các thành viên quan trọng đều đã có FTA với Việt Nam. Nhưng hầu hết các thành viên của EU đều chưa có FTA với Việt Nam, có nền kinh tế phát triển đồng đều, ở trình độ cao, sự tham gia gắn kết với khu vực Đông Nam Á chưa nhiều nên cơ hội thị trường mở cho Việt Nam sẽ rất lớn. Quá trình hợp tác kinh tế song phương và đa phương đã mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội to lớn.

Tuy nhiên, các thị trường xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam đang đặt ra những câu chuyện không chỉ là quy định về mức thuế quan tiêu thụ, quy định sở hữu trí tuệ, bảo đảm môi trường, lao động, cơ chế về tranh chấp, bảo hộ mậu dịch, đặc biệt là về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Ngày càng nhiều quy chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo đối với các sản phẩm công nghiệp và dịch vụ. Cụ thể, thị trường Trung Quốc không những nâng cao tiêu chuẩn chất lượng đối với nông sản nhập khẩu, mà còn tăng cường tiêu chuẩn quản lý và mậu biên. Thị trường EU giữ nguyên cảnh báo thẻ vàng với sản phẩm giống cây trồng. Tương tự, thị trường Mỹ duy trì và tăng các biện pháp bảo hộ thông qua áp đặt thuế chống phá giá đối với hàng thủy sản của Việt Nam, đồng thời tiếp tục chương trình thanh tra cá da trơn theo Dự luật về nông nghiệp. Bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản cũng định kỳ rà soát và điều chỉnh các quy định của họ về an toàn thực phẩm, tăng tần suất kiểm tra nông sản và thủy sản nhập khẩu, gây bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường đó. Thị trường nội địa cũng đang đặt ra những tranh chấp thương mại liên quan đến nhãn hiệu “Made in Vietnam”…

 

Trong quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng, một chiến lược trọng tâm, một sự xây dựng và kết nối hệ thống tiêu chuẩn sản xuất và công nghiệp hàng hoá, dịch vụ “Made in Vietnam” giữa thị trường, ngành nghề trong và ngoài nước sẽ đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ và sức cạnh tranh của doanh nghiệp đảm bảo sự thành công của một Chính phủ kiến tạo. Cùng với động lực của thời đại “vạn vật kết nối”, với vai trò là chủ tịch ASEAN 2020,  chủ động và đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ định vị được hàng hoá và dịch vụ Việt Nam.

T.Công