Chuỗi khách sạn Mường Thanh của “Đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản báo lỗ nhiều năm liên tiếp

Mường Thanh Group là hệ thống khách sạn tư nhân hàng đầu, hiện diện ở hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước. Tuy nhiên năm 2018 vừa qua, doanh thu của Tập đoàn này đạt vỏn vẹn 780 tỷ đồng, thấp hơn cả hệ thống khách sạn của Thành Thành Công và chỉ bằng một phần nhỏ so với Vinpearl.

Từ khách sạn đầu tiên được xây dựng năm 1997 tại Tp.Điện Biên Phủ, đến nay hệ thống Mường Thanh Hospitality đã phát triển lên gần 60 khách sạn trải dài trên cả nước với 4 thương hiệu: Mường Thanh, Mường Thanh Luxury, Mường Thanh Grand, Mường Thanh Holiday. Mường Thanh cũng sở hữu 1 khách sạn tại Lào và một số trung tâm giải trí (Vinh Recreation Center), Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, trung tâm thể hình…

Người đứng đầu tập đoàn Mường Thanh – ông Lê Thanh Thản gây ấn tượng nhờ chiến lược phát triển kinh doanh âm thầm. Chỉ trong khoảng 10 năm, ông Thản gần như đã hoàn thành mục tiêu xây dựng khoảng 50 khách sạn trên cả nước. Gần như tất cả những điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước đều có sự xuất hiện của khách sạn Mường Thanh.

Từ năm 2012, ông Thản đã thành lập thêm Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh (Mường Thanh Group) làm đầu mối quản lý và sở hữu hệ thống khách sạn theo một tiêu chuẩn chất lượng và hình ảnh đồng nhất. Tính đến tháng 1/2019, Mường Thanh Group có vốn điều lệ 2684,4 tỷ đồng. Trong đó ông Lê Thanh Thản nắm giữ 68,5%; phần còn lại do 3 cá nhân nắm giữ gồm bà Lê Thị Hoàng Yến (19%), ông Đỗ Trung Kiên (8,4%) và ông Lê Hải An (4%). Hiện Mường Thanh Group đang quản lý/sở hữu hơn 30 khách sạn Mường Thanh. Phần còn lại vẫn do DTNT Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên sở hữu hoặc 1 số pháp nhân khác sở hữu như Mường Thanh Grand Phương Đông thuộc sở hữu của CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông – công ty được gia đình ông Thản mua lại từ Ocean Group.

Năm 2018 ghi nhận sự tăng trưởng đột biến về quy mô tài sản của Mường Thanh Group khi vốn chủ sở hữu tăng hơn gấp đôi lên gần 3.700 tỷ đồng và tổng tài sản tăng từ 6.800 tỷ lên 12.800 tỷ đồng. Cùng với việc tiếp nhận thêm các khách sạn, doanh thu của Mường Thanh Group đã tăng lên nhanh chóng. Năm 2018, Mường Thanh ghi nhận mức doanh thu 780 tỷ đồng, tăng khoảng 340 tỷ đồng so với năm 2017. Doanh thu tăng mạnh trong năm 2018 đã giúp Mường Thanh giảm lỗ từ 95 tỷ đồng xuống còn 12 tỷ đồng.

Tuy nhiên nếu nhìn vào quy mô quản lý tới vài chục khách sạn của Mường Thanh Group, có thể thấy con số 780 tỷ đồng doanh thu năm 2018 là khá khiêm tốn. Trước đó khoảng từ năm 2014 đến nay, Mường Thanh Group cũng liên tục báo lỗ, dẫn tới khoản lỗ lũy kế ngày một tăng lên.

Trong khi đó một số khách sạn lớn như New World Saigon hay Metropole Hanoi chỉ với 1 khách sạn duy nhất nhưng cũng có thể thu về cả nghìn tỷ đồng mỗi năm. Cũng quản lý hơn 30 khách sạn như Mường Thanh Group nhưng doanh thu mảng khách sạn của Vinpearl năm 2018 thu về gần 6.500 tỷ đồng (bao gồm cả khu giải trí Vinpearlland).

Thậm chí, kết quả kinh doanh của Mường Thanh Group còn kém hơn cả TTC Hospitality – đơn vị quản lý chuỗi khách sạn của Tập đoàn Thành Thành Công khi năm 2018, TTC Hospitality đạt doanh thu 941 tỷ đồng lãi trước thuế 90 tỷ đồng.

Trân Nguyễn