Xuất hiện nhiều “tân binh”, cuộc đua thị phần hàng không thêm gay cấn

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu với doanh thu tăng bình quân 17,4%. Tuy nhiên theo Báo cáo Sơ kết công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ 6 tháng đầu năm 2019 của Phòng Vận tải hàng không Việt Nam, thị trường hành khách hàng không nửa đầu năm 2019 đã có sự tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng thị trường hành khách hàng không đạt 9,4%, giảm so với cùng kỳ năm 2018 (12,9%). Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam đạt 56,8 triệu lượt hành khách, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 27 triệu hành khách tăng 7,7%.

Tính đến cuối tháng 6/2019, các hãng hàng không Việt Nam khai thác đội máy bay gồm 197 chiếc, tăng 30 chiếc so với cùng thời điểm năm 2018, với độ tuổi bình quân là 5,2 tuổi, tỉ lệ sở hữu đạt 27,4%. Hiện tại, có 72 hãng hàng không quốc tế và 5 hãng không Việt Nam khai thác hơn 200 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đến 8 điểm ở Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ, Cát Bi, Đà Lạt). Tổng thị trường 6 tháng đạt 20,2 triệu khách, tăng 12,5% so cùng kỳ 2018. Các hãng hàng không Việt Nam khai thác 155 đường bay thường lệ và thuê chuyến thường lệ đến 89 điểm của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với thị phần đạt 41%

Năm 2019, thị trường hàng không Việt Nam đón nhận “tân binh” Bamboo Airways, nâng tổng số hãng nội địa đang hoạt động lên con số 5 bao gồm: Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific, Bamboo Airways và Công ty bay dịch vụ hàng không (Vasco). 5 hãng hàng không này khai thác 48 đường bay nội địa kết nối 22 Cảng hàng không trong đó Vietnam Airlines khai thác 33 đường bay, Vietjet 35 đường bay, Bamboo Airways 24 đường bay, Jetstar Pacific 23 đường bay, Vasco 9 đường bay. Tổng khách vận chuyển: 18,3 triệu khách, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018, với thị phần như sau: Vietnam Airlines chiếm 35,9%, Vasco chiếm 2%, Vietjet chiếm 44%, Jetstar Pacific chiếm 13,9% và Bamboo Airways chiếm 4,2%.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán MBS, kể từ khi có sự tham gia của Vietjet, cục diện ngành hàng không nội địa đã thay đổi hoàn toàn, cuộc đua giành thị phần diễn ra ngày càng gay gắt. Hiệu quả hoạt động ngành vận tải hàng không đã tăng lên rõ rệt sau sự xuất hiện của Vietjet Air. Hành khách là nhóm đối tượng được hưởng lợi chính từ sự cạnh tranh trong ngành tăng lên, thế độc quyền được xóa bỏ. VietjetAir với mô hình hàng không giá rẻ, thâm nhập thị trường bằng cách cạnh tranh trực tiếp giá vé, đã hạ thấp mặt bằng giá vé, cụ thể giai đoạn 2014-2017, giá vé bình quân của Vietnam Airlines và Vietjet lần lượt giảm 7% và 16%/năm. Sự xuất hiện của Vietjet Air giống như một “cú hích” đối với Vietnam Airlines để Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam có sự thay đổi, tự cải thiện nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động.

Theo MBS, trong những năm tới thị trường hàng không nội địa sẽ tiếp tục có thêm những sự xáo trộn đáng kể với sự xuất hiện của Bamboo Airways. Mục tiêu ban đầu của Bamboo là xâm nhập thị trường, tăng nhận diện thương hiệu bằng chiến lược giá rẻ. Hiện tại, Bamboo đang đưa ra mức giá vé thấp nhất trong các hãng hàng không. Do đó MBS cho rằng Vietjet nhiều khả năng sẽ mất khoảng 3-4% thị phần nội địa về tay Bamboo Airways trong vài năm tới.

Cùng với Bamboo Airways, mới đây Vingroup cũng đã ký kết thoả thuận hợp tác với CAE Oxford Aviation Academy để thành lập Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không (VinAviation School) và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre) tại Việt Nam, chỉ tiêu dự kiến là 400 phi công và thợ máy mỗi năm. Việc tuyển sinh dự kiến sẽ được tiến hành ngay trong tháng 8 năm nay. Tuy nhiên thông tin về Vinpearl Air chỉ mới dừng lại ở mức vốn điều lệ và ngành nghề kinh doanh; còn về giấy phép kinh doanh, lượng máy bay hay phân khúc kinh doanh vẫn chưa được tiết lộ.

Trong trường hợp Vinpearl Air được cấp giấy phép, cuộc đua thị phần hàng không sẽ rất gay cấn bởi Vingroup có truyền thống chơi lớn và rất mạnh về tài chính, Tập đoàn này cũng có lịch sử triển khai dự án thần tốc như trường hợp xây Nhà máy Vinfast tại Hải Phòng. Do đó các hãng hàng không khác cần phải dè chừng nếu “ông lớn” này tham gia vào lĩnh vực hàng không. Hiện tại vẫn chưa rõ Vinpearl Air sẽ hướng đến phân khúc khách hàng nào. Tuy nhiên nếu nhìn vào lợi thế lớn của Vingroup khi sở hữu hàng loạt dự án khu du lịch nghỉ dưỡng trải khắp cả nước, nhiều khả năng Vinpearl Air sẽ lựa chọn khai thác dựa trên khép kín chuỗi giá trị nghỉ dưỡng từ máy bay, khách sạn, khu vui chơi giải trí…

Trân Nguyễn