Lợi nhuận giảm sâu, cổ phiếu của Hòa Phát liên tục bị khối ngoại bán ròng
Từ đầu năm đến nay, giá quặng sắt tăng cao kỷ lục kéo lợi nhuận của Hòa Phát liên tiếp đi xuống. Không chỉ sụt giảm hơn 30% giá, cổ phiếu của Hòa Phát (HOSE: HPG) còn liên tục bị khối ngoại bán ròng….
Thống kê từ HOSE cho thấy trung bình khối ngoại xả từ 1 – 5 triệu cổ phiếu HPG/phiên với giá trị giao dịch có phiên lên tới 80.000 tỷ đồng. Việc liên tục bán tháo cổ phiếu HPG của khối ngoại khiến room ngoại của HPG từ trên 50% giảm xuống chỉ còn 22,3%. Giá cổ phiếu của Hòa Phát đang liên tục giảm mạnh, hiện xuống chỉ còn 22.600 đồng/cổ phiếu, giảm 17% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 3 và giảm hơn 30% so với hồi đầu tháng 10/2018.
Trong quý I/2019, tuy doanh thu bán hàng vẫn tăng song lợi nhuận từ thép của Hòa Phát đã giảm khoảng 14% do giá quặng sắt (nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép) tăng cao kỷ lục. Bước sang quý II, giá quặng sắt vẫn tiếp tục tăng vọt do khan hiếm nguồn cung. Để sản xuất 1 tấn thép, Hòa Phát cần 1,6 tấn quặng sắt và đến thời điểm hiện nay, giá quặng sắt đã tăng lên 121,87 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng hơn 5 năm qua. Nếu tính từ đầu năm, giá quặng sắt đã tăng 68% còn nếu tính trong 1 năm trở lại đây, giá đã tăng tới 86%.
Nguyên nhân khiến giá sắt tăng mạnh là do thảm họa vỡ đập hồ chứa chất thải khoáng sản tại Brazil – quốc gia xuất khẩu quặng sắt hàng đầu thế giới. Vụ vỡ đập này đã khiến Tập đoàn khai thác mỏ hàng đầu Vale SA bị tước giấy phép khiến nguồn cung quặng sắt bị ảnh hưởng và giá tăng vọt.
Quặng sắt là nguyên liệu chính để sản xuất thép và việc giá quặng sắt tăng mạnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất thép như Hòa Phát. Lợi nhuận quý I/2019 của Hòa Phát đã giảm gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế, doanh thu mảng thép của Hòa Phát vẫn tăng cho thấy hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn tăng trưởng khoảng 15%; tuy nhiên lợi nhuận thuần từ mảng thép lại giảm khoảng 14% so với cùng kỳ năm trước do giá vốn tăng mạnh hơn so với tốc độ tăng doanh thu.
Đến thời điểm hiện nay kết quả hoạt động của Hòa Phát trong quý II/2019 vẫn chưa được công bố. Hồi đầu năm Hòa Phát cũng đã công bố Nghị quyết HĐQT thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu toàn Tập đoàn dự kiến đạt 70.000 tỷ đồng, tăng 24% với năm ngoái; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm 22% xuống còn 6.700 tỷ đồng. Nếu đạt kết quả đúng như kế hoạch, đây sẽ là lần đầu tiên trong 7 năm, lợi nhuận Hòa Phát sụt giảm. Nghị quyết HĐQT cũng thống nhất phương án chia cổ tức năm 2019 là 20%, thấp hơn mức 30% trong năm 2018.
Việc Hòa Phát đặt kế hoạch thận trọng trong năm 2019 có thể xuất phát từ lo ngại giá thép sẽ thấp hơn năm trước. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã bỏ đánh thuế xuất khẩu trên phôi thép vuông từ ngày 1/1/2019 nhằm mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến giá thép. Bên cạnh đó, các loại chi phí của Hòa Phát năm nay cũng dự kiến sẽ tăng mạnh, như chi phí tài chính tăng khoảng 3 lần do các khoản lãi vay bắt đầu phải hạch toán vào chi phí tài chính, sau khi nhà máy đi vào vận hành, trong khi trước đây được hạch toán vào vốn hóa. Cùng với đó là giá điện cũng bất ngờ tăng hơn 8%.
Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát lần đầu được Forbes ghi nhận là tỷ phú USD vào tháng 3/2018, khi đó ông có 1,3 tỷ USD, xếp hạng 1.756 thế giới. Tuy nhiên, cổ phiếu HPG kể từ khi đạt mức đỉnh hồi đầu năm 2018 đã liên tục lao dốc, kéo theo sự sụt giảm về giá trị tài sản của ông Long xuống dưới 1 tỷ USD. Đến tháng 3/2019, ông Long chính thức bị loại ra khỏi danh sách tỷ phú của Forbes.
Trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay, khối tài sản của ông Long có giá trị khoảng 15.700 tỷ đồng.
Victor Thai