Vốn FDI Nhật ồ ạt rót vào bất động sản Việt Nam
Những năm qua bất động sản Việt Nam luôn là kênh đầu tư đầy tiềm năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lĩnh vực này tiếp tục thu hút được một lượng vốn lớn, đặc biệt là dòng vốn FDI đến từ Nhật Bản
Điểm lại thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua, dễ dàng thấy được hoạt động M&A có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra vô cùng sôi động với kết quả khả quan là hàng tỷ USD đã đổ mạnh vào Việt Nam. Điển hình cho các thương vụ M&A lớn trên thị trường bất động sản có thể kể đến: Nomura Real Estate Development mua lại 24% tòa nhà Sun Wah có vị trí đắc địa tại quận 1 – Tp.HCM; CapitaLand mua lại khu đất 9.000m2 tại Tây Hồ (Hà Nội), Frasers Property mua lại 75% vốn cổ phần của Địa ốc Phú An Khang; Tập đoàn Alpha King thâu tóm một loạt dự án đất vàng tại trung tâm Tp.HCM…
Hưởng ứng làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào bất động sản Việt Nam, nhiều tập đoàn lớn của Nhật cũng đang rầm rộ đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong lĩnh vực giàu tiềm năng này, đặc biệt là tại Hà Nội. Giữa năm ngoái Tập đoàn Sumitomo (Nhật) cùng với Tập đoàn BRG của Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội với tổng vốn đăng ký 4,14 tỷ USD…
Gần đây trong khuôn khổ chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 30/6 – 1/7, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã làm việc với lãnh đạo của nhiều tập đoàn hàng đầu Nhật Bản và kết quả là các bên đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác đầu tư nhiều dự án lớn với tổng số vốn đăng ký lên tới 3,75 tỷ USD. Trong số này, đáng chú ý có Biên bản ghi nhớ giữa Hà Nội với Sumitomo và BRG về hai dự án công trình hỗn hợp Việt – Nhật ở quận Tây Hồ và xây dựng phát triển KCN Đông Anh ở huyện Đông Anh với tổng số vốn đầu tư 3 tỷ USD. Ngoài ra còn có Biên bản ghi nhớ với Công ty CP IDS Equity Holdings và các nhà đầu tư Nhật Bản về các dự án văn phòng, khách sạn tại Hà Nội với tổng vốn đầu tư đến 500 triệu USD; với Công ty TNHH AeonMall Việt Nam về dự án Trung tâm thương mại AEON Mall Bắc Từ Liêm với vốn đầu tư dự kiến 250 triệu USD; với Nidec về một số dự án đầu tư, trong đó có dự án sản xuất và kinh doanh thiết bị, linh kiện điện tử công nghệ cao, sản xuất các thiết bị mới, đáp ứng yêu cầu công nghệ 4.0.
Nếu như trước năm 2015, Nhật Bản đứng thứ 4 trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài vào Hà Nội thì đến năm 2018, quốc gia này đã vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Thủ đô. Dự báo trong năm 2019, Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục giữ vững vị trí này.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có 18,47 tỷ USD vốn FDI đăng ký cấp mới và góp vốn mua cổ phần tại Việt Nam. Xét theo ngành nghề thì lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,32 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Xét theo quốc gia đầu tư, Nhật Bản đứng thứ năm với tổng vốn đăng ký 1,95 tỷ USD.
Kim Phương