PMI toàn Châu Á vẫn đứng trước nguy cơ ngay cả khi Mỹ – Trung nối lại đàm phán

Trong tháng 6, Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng – PMI (một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất) trên toàn khu vực châu Á hầu như đều sụt giảm. Đây là tín hiệu cho thấy sự ảm đạm trong triển vọng tăng trưởng của khu vực này; ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí nối lại đàm phán thương mại.

Cụ thể trong tháng 6, PMI của Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Đài Loan đều đã giảm xuống dưới 50 điểm, báo hiệu sự suy giảm sâu hơn trong sản lượng. Trong đó PMI của Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng là 47,5 điểm; trong khi chỉ số này của Đài Loan là 45,5 điểm – yếu nhất kể từ tháng 11/2011. Cả kết quả PMI sản xuất chính thức của Trung Quốc và kết quả theo báo cáo Caixin đều cho thấy sản lượng giảm sút trong tháng 6.

Gần đây mối quan hệ Mỹ – Trung đã có tiến triển tích cực. Ngày 29/6/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý tái đàm phán thương mại, đồng thời chính quyền Mỹ cam kết sẽ không áp thêm thuế với hàng hóa Trung Quốc và nới lỏng các quy định hạn chế với Huawei. Ngược lại, Bắc Kinh đồng ý mua nông sản của Washintong.

Có thể thấy kết quả của cuộc họp Mỹ – Trung bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản là một tín hiệu tích cực giúp xoa dịu lo ngại về tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên điều này vẫn không đủ để thuyết phục các nhà kinh tế rằng dữ liệu sẽ có sự cải thiện trong năm nay.

Ông Raymond Raymond Yeung – Chuyên gia ngân hàng Australia & New Zealand Banking Group Ltd. tại Trung Quốc cho biết một lần nữa Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế mới để đổi lấy việc mua sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc. Tuy nhiên chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng không dám chắc rằng liệu họ có thực sự được lợi với các biện pháp thương mại của mình.

Các nhà kinh tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng của họ trong năm nay trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu sụt giảm. World Bank tháng trước đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 2,6% so với dự báo hồi tháng 1 là 2,9%, các giao dịch kinh tế chậm lại đến mức thấp nhất kể từ thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính và đầu tư suy yếu nổ ra.

Ông Chang Shu – Nhà kinh tế trưởng của Bloomberg ở khu vực châu Á đánh giá áp lực đối với các lĩnh vực sản xuất của khu vực này dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao. Thỏa thuận hòa hoãn giữa Mỹ và Trung Quốc mà ông Donald Trump và Tập Cận Bình vừa đạt được bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 chỉ là tạm thời. Ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc tái đàm phán thương mại song phương, mức thuế 25% vẫn sẽ áp dụng cho một nửa danh mục hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Điều này làm hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc và làm gián đoạn sản xuất ở các khu vực khác của châu Á.

Còn theo ông Sian Fenner – Nhà kinh tế hàng đầu châu Á tại Oxford Economy, hầu hết các nền kinh tế châu Á đã chứng kiến xuất khẩu sụt giảm. Lĩnh vực sản xuất nói chung sẽ vẫn rất yếu trong năm nay và là lực cản đối với các nền kinh tế trong khu vực.

Trong bối cảnh Chỉ số PMI trên toàn khu vực châu Á hầu như đều sụt giảm hết sức ảm đạm thì Việt Nam và Philippines là hai nước hiếm hoi có PMI trong tháng 6 diễn biến tích cực, “bơi ngược dòng” với khu vực nhờ sự chuyển hướng của các chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á. Với các lô hàng tăng 7,3% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2018, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong xuất khẩu.

Trong năm 2018, Việt Nam dẫn đầu các nước Đông Nam Á về chỉ số PMI với 53,8 điểm. Mặc dù thuận lợi và có nhiều cơ hội để phát triển mạnh nhưng WB vẫn đánh động Việt Nam về những biến động bất định trên thế giới có thể dẫn tới khả năng giảm sâu hơn so với dự kiến.

Thái Hòa