Nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm vì quyền lợi của người dân
“Trách nhiệm của các Bộ, ngành là phải nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm để người dân Việt Nam được sử dụng các thực phẩm sạch, an toàn như hàng xuất khẩu”…là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) tại cuộc họp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của cơ quan này.
Thông tin tại cuộc họp cho thấy đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển 1.261 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, 1.456 sản phẩm và 3.177 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi.
Bộ Y tế tiếp tục phối hợp triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã ở 9 địa phương (Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai); trong đó: phát hiện vi phạm của 56.816 cơ sở trên tổng số 347.503 cơ sở được kiểm tra; xử phạt hành hành chính 8.409 cơ sở với số tiền trên 24,2 tỷ đồng. Áp dụng hình thức xử lý bổ sung như: đình chỉ hoạt động, tiêu huỷ sản phẩm, đình chỉ lưu hành sản phẩm không đạt yêu cầu ATTP.
Đến nay, toàn quốc có 182 phòng phòng kiểm nghiệm thực phẩm của ngành y tế và nông nghiệp; 198 cơ sở được chỉ định. Trong tổng số 116.017 mẫu thực phẩm được xét nghiệm, có 11.305 mẫu không đạt chỉ tiêu lý hoá, vi sinh. Về tình hình ngộ độc thực phẩm, trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận 32 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 794 người mắc, 785 người đi viện, 4 người tử vong… Hiện vẫn chưa xử lý dứt điểm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; sử dụng phụ gia thực phẩm; giết mổ không bảo đảm ATTP…
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý trong thời gian tới phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, nói rõ những hành vi vi phạm ATTP và xử lý nghiêm các vi phạm này. “Trách nhiệm của các Bộ, ngành là phải nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm để tất cả người dân Việt Nam được tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn như hàng xuất khẩu” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh và gợi ý cần lựa chọn thực hiện thí điểm trước hết tại các thành phố, đô thị lớn là những nơi tiêu thụ lượng lớn thực phẩm.
Về các mô hình thanh tra ATTP tại quận, huyện, thị xã, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần tháo gỡ vướng mắc về luật và việc nhân rộng mô hình phải xem xét sự khác biệt, đặc thù giữa các đô thị lớn chủ yếu tiêu thụ, còn các tỉnh chủ yếu là sản xuất, quan trọng nhất là hiệu quả, không nên cứng nhắc về mô hình. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục tăng cường phối hợp, khẩn trương đưa nhanh hệ thống báo cáo trực tuyến thông tin ATTP để cập nhật, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu nhanh chóng, kịp thời; đồng thời, tập trung thanh tra, kiểm tra, tiêu hủy các sản phẩm mất ATTP.
Trong 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. “Sắp tới, chúng ta cần đánh giá lại những kết quả đã đạt được sau 3 năm Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP, giai đoạn 2011-2016 và xác định những hướng mới cần tập trung trong công tác ATTP trong giai đoạn tiếp theo như thực phẩm tiêu thụ trong nước có chất lượng như hàng xuất khẩu, ứng dụng công nghệ thông tin, sản xuất hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị.
Kim Phương