Ghi nhãn sản xuất “Made in Vietnam” – Cần khung pháp lý và chế tài đủ mạnh…

Do chưa có quy định cụ thể về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa nên khái niệm hàng hóa xuất xứ Việt Nam có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, dẫn đến tình trạng mập mờ, gây nhầm lẫn và tranh cãi. Trong bối cảnh “vàng thau lẫn lộn” đó, việc tìm một định nghĩa chính thống cho tên gọi “hàng Việt Nam” trở thành vấn đề hết sức cấp thiết.

Thế nào là hàng “Made in Vietnam”?

Dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông Diệp Thành Kiệt  – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da Giày & Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng để định nghĩa được thế nào là hàng “Made in Vietnam”, trước tiên chúng ta cần phân biệt rõ ba khái niệm “hàng nhập khẩu”, “hàng nội địa hóa” và “hàng Việt Nam”. Trong đó hàng nhập khẩu là hàng hóa được sản xuất từ một nước khác và nhập qua cửa khẩu Việt Nam, có xuất xứ từ nước ngoài. Hàng nội địa hóa là hàng hóa được sản xuất từ nhà máy ở trong nước nhưng mang nhãn hiệu nước ngoài, chủ sở hữu nhãn hiệu đó là công dân nước ngoài hoặc đó là hàng sản xuất bởi nhà máy trong nước và sở hữu nhãn hiện là công dân Việt Nam nhưng tỷ lệ giá trị gia tăng không đạt mức quy định của hàng Việt Nam. Ngược lại để được gọi là hàng Việt Nam, sản phẩm cần phải đạt ba tiêu chí: phải được sản xuất trong nước, nghĩa là có nhà máy trong nước; có phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đạt tỷ lệ nhất định do cơ quan thẩm quyền của Việt Nam quy định tùy theo từng chủng loại và điều kiện cụ thể; chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa phải là công dân Việt Nam.

Theo ông Kiệt, trường hợp doanh nghiệp trong nước đặt mua toàn bộ công nghệ, nguyên liệu và thuê nhân công nước ngoài, nếu người đăng ký nhãn hiệu là công dân Việt Nam và có tỷ lệ giá trị giá tăng phù hợp với quy định thì sẽ được xem là hàng Việt Nam. Nếu thiếu một trong hai yếu tố đó thì chỉ gọi là hàng nội địa hóa. Trường hợp sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất tại Việt Nam nhưng nhà máy do người nước ngoài thành lập và bán ra thị trường thế giới với tên nước ngoài thì sẽ được xem là hàng có “xuất xứ Việt Nam” và được cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) Việt Nam khi xuất khẩu. Nhưng cũng chính các hàng hóa đó, nếu đem tiêu thụ trong nước sẽ không được xem là hàng Việt Nam mà chỉ được xem là hàng nội địa hóa vì chủ sở hữu nhãn hiệu là công dân nước ngoài.  Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài và xuất hàng về Việt Nam, dù nhãn hiệu đó là tiếng Việt Nam vẫn được xem là hàng nhập khẩu. Điều này cũng phù hợp với quy tắc xuất xứ mà Chính phủ Việt Nam đã ban hành.

Còn theo ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, hàng Việt Nam hoặc hàng hóa thương hiệu Việt đã có định nghĩa chính thức tại Tài liệu tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì biên soạn và phát hành vào tháng 11/2012. Theo đó, hàng Việt Nam là sản phẩm hàng hóa được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam; không phải hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, hàng hóa thương hiệu Việt là hàng hóa do các doanh nghiệp, nhà sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam sở hữu và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam.

Đó là quan điểm của các chuyên gia trong ngành, còn xét trên phương diện quản lý nhà nước, có thể thấy hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” hay “Made in Vietnam”. Các quy định pháp luật hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam song phạm vi điều chỉnh chủ yếu vẫn chỉ xoay quanh nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu.

Cụ thể về cách ghi nhãn có Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Về chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm có Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp và các Thông tư liên quan.

Về thương hiệu hàng Việt Nam, ngày 6/3/2012, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 984/QĐ-BCT kèm theo Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia. Quyết định này có tiêu chí để hàng hóa được gắn mác “Viet Nam Value” (Giá trị Việt Nam) nhằm quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.

Đến ngày 8/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa (thay thế Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006). Với Nghị định này, Việt Nam đã có hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa. Quy định hiện hành là căn cứ để xác định “hàng hóa có xuất xứ Việt Nam”, được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi thuế quan hoặc phi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường mà Việt Nam có cam kết quốc tế.

Tuy nhiên hầu hết các văn bản pháp luật nêu trên đều tập trung vào quy định về yêu cầu ghi nhãn hàng hóa, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu Việt Nam. Hiện vẫn chưa có quy định cụ thể nào về bộ tiêu chí cũng như tỉ lệ nội địa hóa để xác định như thế nào là hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.

Đề xuất xây dựng quy định ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam

Do hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa nên khái niệm “hàng hóa Việt Nam” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau dễ gây nhầm lẫn như: hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; hoặc hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam; hoặc hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam. Điều này đã tạo điều kiện cho nhiều hàng hóa nước ngoài mượn danh “xuất xứ Việt Nam” để hưởng lợi bất hợp pháp từ các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu. Đến thời điểm hiện nay, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa “Made in Vietnam” đang gia tăng ở mức đáng báo động.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Bộ Công Thương đã đề xuất việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng. Trước mắt, việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai. Tuy nhiên khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam trên hàng hóa thì phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.

Sau một khoảng thời gian thực hiện, khi quy định ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam dần được hình thành trong nhận thức xã hội, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tổng kết, đánh giá và báo cáo Chính phủ để áp dụng bắt buộc ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đối với một số mặt hàng cụ thể nhằm bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, bảo hộ ngành sản xuất và xây dựng thương hiệu như thực phẩm, dệt may, giày dép, …

Có thể thấy việc gian lận xuất xứ hàng hóa “Made in Vietnam” không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam. Trước thực trạng gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam đang gia tăng chóng mặt, việc hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất “Made in Vietnam” trở thành yêu cầu hết sức cấp thiết gắn với các chế tài đủ mạnh để xử lý các doanh nghiệp cố tình vi phạm. Hy vọng với sự ra đời của khung pháp lý về vấn đề này, nền sản xuất và quyền lợi của người tiêu dùng trong nước sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt; sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sẽ được “chắp cánh” để bay cao, vươn xa hơn nữa, tự tin khẳng định uy tín thương hiệu và chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt Nam cũng như trên thế giới.

Thanh Thanh