Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: “Asanzo biểu hiện cho kiểu kinh doanh chụp giật, thiếu bền vững…”
Trao đổi với báo giới xoay quanh vụ việc của Asanzo, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại&Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết nếu doanh nghiệp nhập khẩu nguyên đai, nguyên kiện hàng của Trung Quốc, sau đó gắn mác “Made in Vietnam” thì đó là hành vi không trung thực, lừa dối người tiêu dùng. Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề vi phạm đạo đức kinh doanh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ý thức, tinh thần dân tộc….
Theo TS Vũ Tiến Lộc, hiện nay cả nước đang phát động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, việc Asanzo kinh doanh “treo đầu dê, bán thịt chó” đi ngược xu thế của một cuộc vận động lớn cũng như đi ngược lại sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Trong vụ việc của Asanzo, trách nhiệm thuộc về nhiều bên song trước tiên phải thuộc về chính bản thân doanh nghiệp. Việc Asanzo nhập khẩu nguyên đai, nguyên kiện hàng của Trung Quốc, sau đó gắn mác “Made in Vietnam” là hành vi không trung thực, lừa dối người tiêu dùng. Mặc dù nước ta có quy định về xuất xứ hàng hóa song cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn, quy định, định nghĩa cụ thể nào về khái niệm ‘Made in Vietnam'”. Điều này đồng nghĩa với khái niệm “xuất xứ” từ Việt Nam thì có nhưng “Made in Vietnam” thì chưa rõ. “Bản thân tôi cho rằng hai khái niệm này khá tương đồng. “Made in Vietnam” phải là quá trình lắp ráp cơ bản cuối cùng được thực hiện ở Việt Nam; chứ nếu thực hiện ở Trung Quốc rồi mang về Việt Nam dán nhãn vào thì không thể gọi là “Made in Vietnam” được. Như vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đây là chưa đưa ra được một khái niệm thống nhất cho vấn đề này. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường chống gian lận thương mại đã để những hành vi như vậy diễn ra mà không phát hiện được, trách nhiệm này một phần thuộc về Nhà nước” – ông Lộc nêu quan điểm.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc
Về phía Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao – tổ chức đã cấp chứng nhận danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” cho tập đoàn Asanzo, ông Lộc cho rằng Hiệp hội cấp chứng nhận cho Asanzo dựa trên sự bình chọn của người tiêu dùng. Dĩ nhiên trong quá trình này, Hiệp hội có trao đổi với cơ quan chức năng song đáng tiếc lại không phát hiện ra sai phạm của doanh nghiệp này. Điều đáng hoan nghênh là Hiệp hội đã có động thái quyết liệt, kịp thời tước quyền sử dụng chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” để chấm dứt tình trạng gian lận và vi phạm điều lệ sử dụng của Tập đoàn Asanzo. “Việc làm của Asanzo biểu hiện cho kiểu kinh doanh chụp giật, thiếu bền vững; có thể dẫn đến vi phạm pháp luật, sau là vi phạm đạo đức kinh doanh, thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội. Không chỉ riêng với Asanzo mà tôi nghĩ đây là bài học thức tỉnh cho tất cả các doanh nghiệp khác, bởi chỉ có làm ăn chân chính, trung thực mới là bệ phóng đưa doanh nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả” – TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Trân Nguyễn