Thay đổi lớn từ thị trường Trung Quốc: Cơ hội để nông dân Việt cải tiến phương thức sản xuất
Bắt đầu từ ngày 1/10/2019, Trung Quốc chính thức tiến hành kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam với nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. Đây là thách thức lớn, song cũng đồng thời là cơ hội để bà con nông dân dẹp bỏ tư duy làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất đại trà; hướng tới tổ chức ngành hàng theo cơ chế của nền thương mại hiện đại.
Từ thị trường dễ tính đến thị trường khắt khe
Từ nhiều năm nay, Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, với nhiều mặt hàng nông sản chiếm từ 40 đến 70% tổng thị phần xuất khẩu nước ta. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 81% sản lượng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc với kim ngạch nhập khẩu lên tới 2,53 tỷ USD.
So với các thị trường nhập khẩu lớn khác như Mỹ, EU, Nhật Bản…, Trung Quốc vẫn được nhìn nhận là thị trường khá dễ tính, không yêu cầu khắt khe về mặt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên độ thông thoáng của thị trường đông dân nhất thế giới cũng chính là nguyên nhân khiến không ít vùng trồng nông sản của Việt Nam nhiều năm nay vẫn duy trì thói quen sản xuất đại trà với tư duy manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm và hầu như không mấy chú trọng đến các vấn đề: rào cản kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản…
Tuy nhiên từ cuối năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã có nhiều thay đổi trong nhập khẩu nông sản của Việt Nam thông qua chính sách siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, tập trung nhập khẩu chính ngạch; đồng thời tăng cường áp dụng những rào cản kỹ thuật để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Đơn cử đối với mặt hàng rau quả, hiện trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy định về an toàn nguyên liệu thực phẩm; đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc; phải đăng ký mã số vùng, địa danh của nông sản với Hải quan Trung Quốc. Các đơn vị nhập khẩu phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc kèm theo nhãn mác; sản phẩm phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật bao gói, điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng hại…Đặc biệt, Trung Quốc có một số thay đổi trong giám sát xuất nhập khẩu hoa, quả vào nước này. Theo đó từ ngày 1/10/2019, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng. Ngoài ra, đối với các mặt hàng thủy sản, nông sản khác, Trung Quốc cũng siết chặt kiểm soát chất lượng.
Với những thay đổi mạnh mẽ về chính sách xuất nhập khẩu, Trung Quốc từ một thị trường dễ tính bỗng chốc hóa thành thị trường khắt khe đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Chủ động đáp ứng các quy chuẩn mới
Ông Nguyễn Quý Dương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết ngay khi nhận được thông tin Trung Quốc sẽ có những thay đổi trong chính sách nhập khẩu, tháng 5/2018 Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu các Chi cục bảo vệ thực vật phối hợp cùng người nông dân ghi chép các thông tin để cấp mã số vùng trồng (sản lượng, địa điểm, diện tích, loại thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng, thời gian cách ly….); đồng thời đăng ký tem nhãn truy xuất nguồn gốc, ghi rõ mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói tại Việt Nam. Để có nhãn mác này, các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải đăng ký để được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và được phía Trung Quốc chấp thuận. Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp hơn 1.200 mã số vùng trồng cho 8 loại trái cây và trên 1.300 mã số cho cơ sở đóng gói có đủ điều kiện được phép xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc.
Theo ông Dương, hiện Trung Quốc chưa làm căng như các thị trường khác, chủ yếu vẫn để Việt Nam tự cấp mã số vùng trồng và gửi thông tin sang cho phía bên đơn vị nhập khẩu. Tuy nhiên không loại trừ khả năng trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ cử chuyên gia sang những vùng trồng lớn để kiểm tra xem Việt Nam có thực hiện đúng quy trình hay không. Chính vì vậy để tiếp tục xuất khẩu vào thị trường khổng lồ này đòi hỏi bà con nông dân, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải đáp ứng được yêu cầu mới của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật. “Nếu thực hiện nghiêm túc, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu chính ngạch của thị trường đông dân nhất thế giới. Đây cũng chính là điều kiện để nông dân và doanh nghiệp Việt cải tiến phương thức sản xuất theo hướng đồng bộ, bài bản trong chuỗi giá trị, loại bỏ tư duy manh mún, nhỏ lẻ, tự phát – vừa tốt cho người sản xuất, người tiêu dùng trong nước vì có được quy trình sản xuất an toàn, vừa có được những sản phẩm nông sản chất lượng cao với giá bán tốt nhất” – ông Dương khẳng định.
Trân Nguyễn