Kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mỹ tăng gần 30% trong 4 tháng
Xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ đạt kim ngạch 17,8 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2019, tăng mạnh 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho hàng Việt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung trở nên căng thẳng.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong 6 thị trường chủ lực.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 156,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8%, còn nhập khẩu đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Cán cân thương mại hàng hóa mặc dù duy trì thặng dư trong 4 tháng với mức xuất siêu ước tính đạt 711 triệu USD nhưng thấp hơn nhiều so với mức 3,7 tỷ USD của cùng kỳ năm 2018.
Thị trường xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 4 tháng qua không có biến động so với trước đây, tuy nhiên đáng ghi nhận, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các thị trường chủ lực.
Mỹ hiện cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 17,8 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ba ngành nghề có kim ngạch cao là điện thoại và linh kiện tăng 104,9%; giày dép tăng 9,4% và hàng dệt may tăng 8,5%.
Đứng thứ hai là thị trường EU đạt 13,7 tỷ USD, tăng 2,8%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 19,7%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 9,6%; giày dép tăng 7%.
Trung Quốc vẫn xếp thứ ba với kim ngạch đạt 10,4 tỷ USD, giảm 5,8%, trong đó hàng thủy sản giảm 31,5%; điện thoại và linh kiện giảm 62,3%.
Xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 8,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 7,3%, trong đó hàng dệt may tăng 36,7%; sắt thép tăng 9,7%.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ năm với kim ngạch đạt 6,2 tỷ USD, tăng 7,3%, trong đó hàng dệt may tăng 10%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 9,4%; điện thoại và linh kiện tăng 7,1%.
Nhật Bản đạt 6,1 tỷ USD, tăng 6,6%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 33,9%; giày dép tăng 27,6%; hàng dệt may tăng 6,9%.
Trong khi đó, về thị trường nhập khẩu cũng không có sự thay đổi đáng kể trong 4 tháng qua. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,3 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện tăng 80,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 28,5%; vải tăng 13,3%.
Đứng thứ hai là thị trường Hàn Quốc đạt 15,5 tỷ USD, tăng 3,1%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 9,3%; sắt thép tăng 5,4%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 4,3%.
Thị trường ASEAN đạt kim ngạch 10,8 tỷ USD, tăng 9,2%, trong đó ôtô nguyên chiếc tăng 619,3%; sắt thép tăng 372,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 11,3%.
Thị trường Nhật Bản và thị trường EU đứng thứ tư và thứ năm với kim ngạch lần lượt là 5,7 tỷ USD, giảm 1,4% và 4,6 tỷ USD, tăng 14,8%.
Riêng nhập khẩu từ thị trường Mỹ đạt 4,2 tỷ USD, tăng 14,3%, trong đó thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu tăng 16,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 9,4%.
Cẩm Duyên