Sức nóng từ thị trường 100 triệu dân
Với quy mô 100 triệu dân, Việt Nam có đủ yếu tố cho tăng trưởng dài hạn là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước và cũng là niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài khi chọn Việt Nam để làm ăn lâu dài.
Gần hai tuần đến Việt Nam nhận nhiệm vụ mới, ông Andrew Anderson-Sprecher – tùy viên nông nghiệp cấp cao của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM – đã có mặt tại một sự kiện quảng bá nông sản nước này ở Việt Nam.
Thị trường tiêu dùng hấp dẫn
Cherry, blueberries, táo, nho, thịt bò, hải sản… Mỹ đang được ưa chuộng và có mức tăng trưởng mạnh mẽ ở Việt Nam. Ông Andrew Anderson-Sprecher nói thị trường Việt Nam ngày càng quan trọng cho sản phẩm, nông sản cao cấp của Mỹ.
Đâu chỉ Mỹ, từ đầu năm đến nay, mỗi tháng, hệ thống MM Mega Market đều đón những đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu thị trường Việt Nam, chưa kể các chương trình xúc tiến tại chỗ của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài.
Báo cáo tháng 6-2023 của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho thấy người Việt mạnh tay tiêu thụ các loại trái cây, hạt như hạt dẻ, hạnh nhân, óc chó, rong biển, khoai… từ nhiều quốc gia khác nhau.
Như trong tháng 5-2023, Việt Nam đã chi 5,8 triệu USD để nhập khẩu rau quả từ thị trường châu Âu (EU), cao hơn 1,7 triệu USD so với bình quân theo tháng năm 2022.
Trong đó, nhập khẩu khoai tây dẫn đầu với giá trị 1,7 triệu USD, tăng 77,9%; cherry 0,34 triệu USD, cao gấp 44,5 lần so với tháng 5-2022…
Vì thế, vốn đầu tư từ các nhà bán lẻ ngoại vẫn đổ vào Việt Nam, thậm chí có nhà đầu tư còn khẳng định đây là thời điểm để họ triển khai mô hình kinh doanh mới.
Đơn giản là vì đây là thị trường 100 triệu dân sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các mặt hàng trung và cao cấp.
Cuối tháng 7-2023, nhà bán lẻ đến từ Thái Lan Central Retail đã chính thức gia nhập thị trường trang trí nội thất tại Việt Nam bằng việc đưa thương hiệu Come Home vào hoạt động tại TP.HCM, thực thi hóa cam kết rót thêm 1,45 tỉ USD từ đây đến năm 2027.
Central Retail Việt Nam đang sở hữu mạng lưới hơn 340 trung tâm thương mại và cửa hàng, hiện diện trên 40 tỉnh và thành phố lớn, tổng diện tích bán lẻ lên đến hơn 1,2 triệu mét vuông.
Kế hoạch mở rộng đầu tư của nhà bán lẻ đến từ xứ chùa vàng hướng đến mục tiêu tăng gấp đôi lên 600 điểm bán đến năm 2027.
Một đại gia bán lẻ khác đến từ Nhật Bản cũng mở rộng siêu thị tinh gọn đầu tiên tại khu vực phía Nam vào những ngày cuối tháng 7, đánh dấu chiến lược phát triển đa dạng mô hình bán lẻ của mình tại Việt Nam…
Lạc quan về triển vọng lâu dài ở Việt Nam
Ông Walt Power – tổng giám đốc của The Grand Ho Tram Strip – cho biết thị trường nội địa Việt Nam luôn là lý do hàng đầu để các nhà đầu tư cân nhắc khi mở rộng thêm mảng kinh doanh.
Trước đây những khu phức hợp giải trí cao cấp nhắm đến người nước ngoài ở Việt Nam hoặc khách du lịch quốc tế. Nhưng đợt dịch vừa qua, thị trường nội địa mới là mảng phục hồi nhanh nhất.
“Chúng tôi cảm thấy may mắn có một thị trường nội địa mục tiêu với hơn 15 triệu khách du lịch. Không chỉ du lịch, ngay như một nhà sản xuất công nghiệp, trước đây họ có nhà máy ở Việt Nam rồi chuyển sang Indonesia, nhưng sau sáu tháng họ quay trở lại khi nhận ra chỉ ở Việt Nam họ mới có các điều kiện lý tưởng để sản xuất và phát triển dịch vụ.
Các nhà đầu tư nước ngoài tôi từng gặp đều rất lạc quan về triển vọng phát triển ở Việt Nam”, ông Walt Power nhấn mạnh.
Theo bà Amanda Murphy, giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp khu vực Nam và Đông Nam Á, HSBC châu Á – Thái Bình Dương, trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm kiếm sự đa dạng về địa lý và áp dụng chiến lược Trung Quốc+1, Đông Nam Á trong đó có Việt Nam sẽ tiếp tục giành thêm thị phần cũng như “miếng bánh to” hơn trong đầu tư trực tiếp toàn cầu khi tâm điểm của sản xuất toàn cầu tiếp tục dịch chuyển.
Theo một khảo sát gần đây của HSBC, trong vòng 12 – 24 tháng tới, doanh nghiệp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ đặt 24,4% chuỗi cung ứng của họ tại Đông Nam Á, tăng lên từ mức 21,4% trong năm 2020.
Trúc Anh