Tìm phương án gia tăng xuất nhập khẩu vào Australia
Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2018, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Australia đạt hơn 7,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt gần 4 tỷ USD, tăng 20%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt hơn 3,7 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017.
Trước những cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các doanh nghiệp ngành dệt may, giày dép, nông sản…Việt Nam đang thay đổi chiến lược nhằm gia tăng xuất khẩu sang Australia.
Nhiều dư địa xuất khẩu vào thị trường Australia
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường Australia trong năm 2018 đã tăng thêm gần 50 triệu USD so với năm 2017, giày dép cũng tăng thêm 29 triệu USD, rau quả tăng thêm 20 triệu USD… Những con số này sẽ thay đổi đáng kể trong năm 2019 và những năm tới, bởi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực từ đầu năm nay, mở ra con đường xuất khẩu rộng lớn với những ngành hàng này.
Tại Hội thảo Tiềm năng thị trường Australia từ Hiệp định CPTPP do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Aus4Skills – Australia Global Alumni tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhấn mạnh, việc có thêm một hiệp định thương mại tự do (FTA) mới là CPTPP có hiệu lực sẽ tạo đòn bẩy cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong đó, Australia là một trong những thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nhiều tiềm năng của Việt Nam, khi trong 3 năm gần đây, vải, xoài, thanh long của Việt Nam đã được nhập khẩu vào thị trường tiềm năng này. Riêng năm 2018, giá trị xuất khẩu rau quả sang Australia tăng 45%, đạt trên 51 triệu USD, mức tăng cao nhất trong những năm gần đây.
Theo Bộ Công thương, hàng năm, Australia nhập khẩu khoảng 1,7 – 2 tỷ USD các loại rau, củ, quả, trong khi giá trị xuất khẩu bình quân các mặt hàng này của Việt Nam sang Australia mới đạt trên 40 triệu USD/năm. Như vậy, dư địa còn rất lớn, nhất là khi danh sách các loại quả tươi Việt Nam được Australia chuẩn bị cấp phép nhập khẩu sẽ nối dài.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T – doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây tươi sang các thị trường tiêu chuẩn cao như Mỹ, EU cho biết, thị trường Australia đã nằm trong tầm ngắm của Công ty để đẩy nhanh giá trị xuất khẩu các quả tươi đã được cấp phép như thanh long, xoài… Đây vốn là những loại trái cây mà Vina T&T có thế mạnh về vùng nguyên liệu và đã xuất khẩu thành công sang Mỹ.
Cải thiện giá trị xuất khẩu
Được đánh giá là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất của dòng vốn FDI toàn cầu, Australia đã và đang trở thành một trong những thị trường xuất khẩu và đầu tư rất tiềm năng của Việt Nam. Australia cũng đã là đối tác FTA của Việt Nam khi FTA ASEAN – Australia – New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực từ năm 2010. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam sang Australia còn khá hạn chế.
Cụ thể, với ngành hàng dệt may, hàng năm, Australia nhập khẩu khoảng 9,32 tỷ USD các sản phẩm dệt may từ thế giới, trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 250 triệu USD. Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ngành dệt may sẽ sớm có thêm thị trường xuất khẩu tỷ USD, đó chính là Australia, khi CPTPP có hiệu lực.
Từng đến Việt Nam tìm kiếm các nhà cung ứng hàng dệt may, Tập đoàn IEC (Australia) cho rằng, dù dân số ở Australia chỉ bằng 1/4 so với Việt Nam, nhưng người dân nước này sẵn sàng chi tiêu với số tiền lớn hơn rất nhiều lần. Do vậy, các doanh nghiệp cần đưa ra những mẫu mã, chủng loại sản phẩm đa dạng, chất lượng cao để người tiêu dùng lựa chọn. Ngoài ra, để tận dụng ưu đãi về thuế trong CPTPP, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đáp ứng quy tắc xuất xứ và làm chủ chuỗi cung ứng.
Đối với ngành hàng nông sản, báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, Australia là một trong những thị trường có quy định về kiểm dịch và vệ sinh an toàn sản phẩm nghiêm ngặt nhất thế giới. Do đó, để thâm nhập tốt thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật; tuân thủ quy định kiểm dịch của Australia về vùng trồng, cơ sở đóng gói, chiếu xạ, bao bì, nhãn mác, kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu ngay từ Việt Nam.
Huy Hoàng