Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm ảnh hưởng gì tới kinh tế toàn cầu
Nền kinh tế Trung Quốc có thể phải đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng thấp hơn kéo dài, một viễn cảnh có thể có những tác động toàn cầu sau 45 năm mở rộng và toàn cầu hóa nhanh chóng.
Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế, với việc các nhà lãnh đạo hôm thứ Hai cam kết “điều chỉnh và tối ưu hóa các chính sách một cách kịp thời” cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của nước này, đồng thời thúc đẩy việc làm ổn định hướng tới một mục tiêu chiến lược. Bộ Chính trị cũng công bố các cam kết thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước và giải quyết rủi ro nợ địa phương.
Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc tăng 6,3% so với cùng kỳ trong quý 2, theo Bắc Kinh công bố hôm thứ Hai, thấp hơn dự đoán 7,3% của thị trường sau khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thoát khỏi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt do Covid-19.
Trên cơ sở hàng quý, sản lượng kinh tế tăng 0,8%, chậm hơn mức tăng 2,2% theo quý được ghi nhận trong ba tháng đầu năm. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp đã tăng nhanh từ 3,5% so với cùng kỳ trong tháng 5 lên 4,4% trong tháng 6, vượt qua dự đoán.
Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền đã đặt mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023, thấp hơn bình thường và khá khiêm tốn đối với một quốc gia có mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm là 9% kể từ khi mở cửa nền kinh tế vào năm 1978.
Trong vài tuần qua, các nhà chức trách đã công bố một loạt cam kết nhắm vào các lĩnh vực cụ thể hoặc được thiết kế để trấn an các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài về một môi trường đầu tư thuận lợi hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, đây phần lớn là các biện pháp bao quát thiếu một số chi tiết chính, và báo cáo mới nhất sau cuộc họp hàng quý của Bộ Chính trị về các vấn đề kinh tế đã đưa ra một giọng điệu ôn hòa nhưng lại thiếu các thông báo mới quan trọng.
Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết trong một ghi chú hôm thứ Hai rằng lãnh đạo đất nước “rõ ràng lo ngại”, với báo cáo của Bộ Chính trị mô tả quỹ đạo kinh tế là “khúc khuỷu” và nhấn mạnh “nhiều thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt”.
Chúng bao gồm nhu cầu trong nước, khó khăn tài chính trong các lĩnh vực quan trọng như bất động sản và môi trường bên ngoài ảm đạm. Evans-Pritchard lưu ý rằng bản báo cáo mới nhất đề cập 7 lần đến từ “rủi ro”, so với 3 lần trong bản báo cáo tháng 4 và ưu tiên của ban lãnh đạo dường như là mở rộng nhu cầu trong nước.
Theo Rory Green, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc và châu Á tại TS Lombard, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang chịu “3 cú sốc” gồm đại dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa kéo dài, lĩnh vực bất động sản ốm yếu và một loạt thay đổi về quy định liên quan đến tầm nhìn “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Do Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn mở cửa trở lại sau khi áp dụng các biện pháp không Covid, nên phần lớn sự yếu kém hiện tại vẫn có thể là do chu kỳ đó, nhưng Green nói thêm rằng những điều này có thể trở nên cố hữu nếu không có phản ứng chính sách phù hợp.
Thành Nam