Bản lĩnh lựa chọn vốn FDI
Ba mươi năm mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhà đầu tư đã quen với tâm thế đem dự án đi từ bắc chí nam tìm hiểu, “mặc cả” xem địa phương nào trải thảm ưu đãi nhất mới vào.
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Bokwang Vina (FDI Hàn Quốc), Khu công nghiệp Điềm Thụy, Thái Nguyên.
Giờ đây, câu chuyện thu hút đầu tư FDI của Việt Nam đã bắt đầu thay đổi, khi một số địa phương dứt khoát nói không với các dự án trong ngành công nghiệp “cổ điển”.
Quyền từ chối
Làm nóng các diễn đàn đầu tư năm 2018 là câu chuyện vận động cho dự án (DA) dệt nhuộm 350 triệu USD của Tập đoàn sản xuất hàng may mặc TAL (Hồng Công, Trung Quốc) vào Khu công nghiệp Bá Thiện II, Vĩnh Phúc. Đây là nhà đầu tư có tên tuổi trên thế giới, cứ sáu chiếc áo sơ-mi được bán ra tại Mỹ thì có một cái của TAL, và họ đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 2004. Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã đồng ý về chủ trương đầu tư của DA này, nhưng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã bốn lần từ chối. Tập đoàn TAL cam kết sẽ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải 24/7 kết nối trực tuyến tới Bộ TNMT để có thể kiểm soát bất cứ thời điểm nào; cam kết sẽ đào ao nuôi cá rộng 40 nghìn mét vuông gần tường bao để chứng minh nước thải từ nhà máy bảo đảm an toàn. Nhưng, vẫn chưa đủ sức thuyết phục.
GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết: “Gần đây, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng và một số địa phương đã từ chối các dự án dệt nhuộm. Những địa phương khác có đồng ý cũng không còn cơ chế ưu đãi nữa”.
Không chỉ có dệt nhuộm bị từ chối, lĩnh vực nhiệt điện than, sản xuất giấy cũng nhận được những phản ứng tương tự. Việc những địa phương trong tốp đầu cả nước về thu hút vốn FDI nói không với DA có khả năng gây ô nhiễm đang được xem là sự “thức tỉnh” sau giai đoạn “cạnh tranh xuống đáy” để thu hút FDI bằng mọi giá.
Xu thế mới trong lựa chọn vốn FDI của những địa phương đã có trình độ phát triển khá, là chuyển sang chỉ tiếp nhận FDI vào ngành, sản phẩm có hàm lượng trí tuệ và giá trị gia tăng cao để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới.
Bộ lọc đón dòng vốn xanh
Thống nhất quan điểm thu hút FDI có chọn lọc, nhưng TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương băn khoăn: Nếu cứ từ chối dệt nhuộm, điện than thì lấy đâu ra nguồn cung cấp nguyên phụ liệu để dệt may thoát kiếp gia công; lấy đâu ra điện đủ cung cấp trong tương lai? Quyền lựa chọn là của địa phương, nhưng phải dựa trên cơ sở phản biện khoa học để chắc chắn rằng chúng ta chỉ từ chối những DA không phù hợp.
Để điều phối lại việc tiếp nhận DA trong bối cảnh thu hút FDI có chọn lọc, không cách nào khác, cơ quan nhà nước phải tăng cường thẩm định, giám sát các DA đầu tư, đồng thời đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn công nghệ, môi trường với các nhà đầu tư.
Để đón dòng vốn xanh trong kỷ nguyên mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng công cụ quản lý FDI bằng bộ chỉ số cụ thể để căn cứ vào đó, các địa phương dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định chấp thuận hoặc từ chối DA, cấp ưu đãi đầu tư, đánh giá hiệu quả thu hút và sử dụng vốn FDI. “Chỉ có bằng một hệ thống tiêu chí khoa học, chặt chẽ và minh bạch, Việt Nam mới có thể thu hút đầu tư có chọn lọc, đi vào chiều sâu và có tính lan tỏa cao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng.
Minh Hằng