Thị trường bất động sản gặp khó, doanh nghiệp ngoại ra sức mua vào

Bối cảnh các doanh nghiệp trong nước đang xoay cuồng trong muôn vàn khó khăn để duy trì hoạt động cũng chính là thời điểm “vàng” để các doanh nghiệp nước ngoài tăng cường mua bán sáp nhập (M&A).

Liên tiếp các thương vụ M&A đình đám

Có thể thấy các thương vụ M&A gia tăng trong thời điểm thị trường chững lại là kịch bản đã được dự báo từ trước. Trước đó Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc Vũ Cương Quyết cũng từng bày tỏ lo ngại rằng thị trường gặp khó sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư ngoại chen chân vào thâu tóm dự án. “Bản chất thị trường không khó và bi quan như thực tại nhưng chính tâm lý lo sợ quá mức cùng tâm lý muốn giá bất động sản thấp hơn của doanh nghiệp đã khiến thị trường càng thêm khó khăn” – ông Quyết cho hay.

Thực tế cũng cho thấy các thương vụ M&A đã tăng mạnh chỉ sau hơn một năm thị trường địa ốc “đóng băng”. Trong thông báo gần đây, Tập đoàn Jones Lang Lasalle (JLL) cho biết đã tư vấn về việc bán danh mục đầu tư gồm 3 khách sạn nổi bật ở Đông Nam Á. Giao dịch trị giá lên tới 106,1 triệu USD (gần 2.500 tỉ đồng), đánh dấu thương vụ mua bán khách sạn đầu tiên trong khu vực của năm 2023. Danh mục đầu tư bao gồm các khách sạn Pullman Jakarta Central Park (ở Indonesia), ibis Saigon South và Capri by Fraser (cùng ở quận 7, Tp.HCM). Trong đó, Pullman Jakarta Central Park và ibis Saigon South được bán cùng với quyền quản lý của Accor đối với thương hiệu Pullman và ibis; còn Capri by Fraser được bán với quyền sở hữu bỏ trống.

Cách đây vài ngày, Công ty Nova F&B chuyên cung cấp dịch vụ ẩm thực tại các dự án do NovaGroup phát triển cũng đã được doanh nghiệp Singapore mua lại thông qua sự giới thiệu của VinaCapital. Sau khi mua lại, phía đối tác Singapore đã thuê IN Hospitality quản lý và vận hành Nova F&B; bà Nguyễn Thanh Hà Ngọc – Tổng giám đốc IN Hospitality cũng trở thành người đại diện pháp luật và Tổng giám đốc Nova F&B.

Trước đó hồi đầu tháng 3, thị trường cũng xuất hiện thông tin CapitaLand Development (Singapore) đang đàm phán mua một phần tài sản trị giá khoảng 1,5 tỷ USD từ một tập đoàn bất động sản lớn trong nước.

Động lực mới cho thị trường bất động sản

Liên tiếp các thương vụ M&A xảy ra là kịch bản tất yếu khi thị trường địa ốc rơi vào giai đoạn trầm lắng. Sau đại dịch Covid – 19, nhiều doanh nghiệp bất động sản bị tổn thương, mọi hoạt động đều bị phong tỏa vì dòng vốn thắt chặt. Để có thể xoay xở dòng tiền để trả nợ, tránh tình trạng sụp đổ, giải thể, họ buộc phải chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vốn mạnh về tiềm lực kinh tế, họ chỉ đợi giá bất động sản hạ là sẵn sàng rót vốn vào các dự án tiềm năng của Việt Nam. Nếu nhìn theo hướng tích cực, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp bán bớt dự án, thu hồi tiền để cân đối tài chính cũng như đẩy mạnh triển khai các dự án mới. “Thông qua các thương vụ M&A sẽ giúp doanh nghiệp giải tỏa nỗi lo thiếu vốn và có điều kiện hoàn thành các dự án. Tuy nhiên yêu cầu đặt ra là các vấn đề pháp lý phải được giải quyết”, ông Dylan Yip – Phó Tổng giám đốc phụ trách Chiến lược của Tổ chức Giải thưởng châu Á (AAO) lưu ý.

Rất dễ để thấy với các doanh nghiệp ngoại, cách để thiết lập chỗ đứng tại Việt Nam nhanh nhất chính là “thâu tóm” các dự án. Các thương vụ M&A sẽ là trợ thủ đắc lực giúp các đơn vị ngoại quốc dễ dàng mở rộng quỹ đất trong thời gian nhanh nhất có thể. “Thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Đây là lý do các doanh nghiệp địa ốc và quỹ đầu tư nước ngoài tận dụng thời điểm thị trường nội địa giảm tốc để gia tăng thị phần tại Việt Nam”, ông David Jackson – Tổng Giám đốc Colliers (Vietnam) nhận định

Cũng theo ông David Jackson, thời gian gần đây Colliers chủ yếu tiếp nhận yêu cầu của nhà đầu tư đến từ khu vực Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và châu Âu; trong đó họ đặc biệt dành nhiều sự quan tâm cho các tài sản đáp ứng sát với nhu cầu thực. “Các cuộc sáp nhập đang diễn ra theo chiều hướng tích cực, kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện nguồn cung trong tương lai, mang lại cho thị trường địa ốc Việt Nam những sản phẩm đa dạng và chất lượng nhất. Đây cũng là cơ hội vàng để doanh nghiệp ngoại hợp tác với doanh nghiệp trong nước nhằm tối ưu hóa thế mạnh am hiểu chính sách và quy trình tại Việt Nam” – lãnh đạo Colliers đánh gia.

Huệ Văn