Ấn Độ có thể là thay thế Trung Quốc làm công xưởng thế giới nếu nước này vượt qua các thách thức
Uy thế của Ấn Độ đã được tăng lên đáng kể sau chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Mỹ, nơi ông tiếp tục củng cố các thỏa thuận sản xuất nhằm đảm bảo hơn nữa vị trí của đất nước ông như một cường quốc kinh tế.
Balbinder Singh Gill, phó giáo sư tài chính tại Viện Công nghệ Stevens, nói với FOX Business: “Điều đang xảy ra là các nhà đầu tư không muốn đầu tư vào Trung Quốc và lĩnh vực công nghệ của nước này và cách dễ dàng để đầu tư là đến Ấn Độ, hãy đầu tư vào Ấn Độ”.
Modi tuần trước đã hoàn thành chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của mình ở Mỹ dưới thời chính quyền Biden – với một bài phát biểu trước Quốc hội. Lần đầu tiên ông đến thăm thành phố New York, nơi ông gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp để đạt được các thỏa thuận thương mại quan trọng hơn.
Đứng đầu trong số những thỏa thuận đó có thể là nhà sản xuất ô tô điện Tesla, mà CEO Elon Musk cho biết sẽ có mặt ở Ấn Độ “càng sớm càng tốt”. Musk nói với Reuters rằng ông Modi đã thúc đẩy một khoản đầu tư “đáng kể” vào đất nước này.
Musk nhấn mạnh tiềm năng to lớn của Ấn Độ trong việc sản xuất năng lượng bền vững, bắt đầu bằng sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Ấn Độ năm nay được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, vượt qua Vương quốc Anh.
Tesla sẽ theo bước chân của Apple. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã sản xuất iPhone ở Ấn Độ từ năm 2017 và năm nay, họ đã mở các địa điểm Apple Store đầu tiên ở Mumbai và Delhi đồng thời bắt đầu các sáng kiến môi trường mới.
Ông Modi kết thúc chuyến thăm Mỹ bằng cuộc gặp vào thứ Sáu với các giám đốc điều hành công nghệ Ấn Độ và Mỹ tại Washington, nơi ông đồng ý hợp tác trong các dự án công nghệ và quốc phòng mới.
Modi nói với tờ Wall Street Journal rằng “Ấn Độ xứng đáng có một vị thế và vai trò cao hơn, sâu hơn và rộng hơn”, đồng thời nói thêm rằng ông không coi vai trò của Ấn Độ là “thay thế bất kỳ quốc gia nào” mà nước này chỉ đơn giản là “đạt được vị trí xứng đáng của mình trên thế giới”.
Tuy nhiên, thành công của Ấn Độ đi kèm sự sụt giảm Trung Quốc. Chính quyền Biden đã coi mối quan hệ của họ với New Delhi là một đối trọng quan trọng đối với những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc định hình lại các động lực quốc tế.
Trung Quốc đã cố gắng nâng cao vị thế của khối kinh tế BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) – nơi cả Ấn Độ và Nga đều là thành viên và có thể đóng vai trò tăng cường ảnh hưởng đối ngoại của Bắc Kinh.
Modi đã không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc trong chuyến thăm và Biden chỉ đề cập đến Trung Quốc khi trả lời câu hỏi của phóng viên, nhưng một tuyên bố chung bao gồm một ám chỉ rõ ràng tới Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.
Người phát ngôn an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby cho biết những thách thức mà Trung Quốc đưa ra đối với cả Washington và New Delhi đều nằm trong chương trình nghị sự nhưng khẳng định chuyến thăm “không phải là về Trung Quốc”.
Phó giáo sư Gill lưu ý rằng cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ vẫn cần được cải thiện. Ông cho biết chỉ có 5% đường trên toàn quốc là đường cao tốc, khoảng 40% vẫn là đường đất và ông gọi nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng là “một dự án xây dựng khổng lồ” cho hệ thống đường cao tốc và đường sắt.
Bảo Việt