Thế giới cần 131 năm để thu hẹp khoảng cách về giới

Tiến độ đạt được bình đẳng giới toàn cầu đang chậm lại.

Một báo cáo mới từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính rằng phụ nữ sẽ không đạt được sự bình đẳng với nam giới trong 131 năm nữa. Nói cách khác, phải đến năm 2154 bình đẳng giới mới có thể đạt được.

Khoảng cách giới tính tổng thể — thước đo sự bình đẳng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, y tế và giáo dục — chỉ giảm 0,3% so với năm ngoái, theo “Báo cáo Khoảng cách Giới tính Toàn cầu 2023” của WEF, được công bố hôm thứ Tư.

Saadia Zahidi, giám đốc điều hành của WEF, đã viết trong báo cáo rằng “tiến bộ chậm chạp” trong việc thu hẹp khoảng cách đó tạo ra một “trường hợp khẩn cấp cho hành động đổi mới và phối hợp”. Zahidi viết: “Những năm gần đây được đánh dấu bằng những thất bại lớn đối với bình đẳng giới trên toàn cầu, với những tiến bộ trước đó bị gián đoạn do tác động của đại dịch Covid-19 đối với phụ nữ và trẻ em gái trong giáo dục và lực lượng lao động, sau đó là các cuộc khủng hoảng kinh tế và địa chính trị. Ngày nay, một số nơi trên thế giới đang chứng kiến sự phục hồi một phần trong khi những nơi khác đang trải qua tình trạng suy thoái khi các cuộc khủng hoảng mới diễn ra”.

Chỉ số Khoảng cách Giới tính của WEF đo lường sự bình đẳng giới ở 146 quốc gia và trên bốn lĩnh vực: tham gia và cơ hội kinh tế, trình độ học vấn, sức khỏe và sự sống còn và trao quyền chính trị. Khoảng cách tổng thể đã được cải thiện 4,1 điểm phần trăm kể từ khi WEF đưa ra chỉ số vào năm 2006.

Mặc dù báo cáo cho thấy sự tiến bộ trong các lĩnh vực trình độ học vấn và sự gia tăng trong các hạng mục sức khỏe, sự sống còn và trao quyền chính trị, nhưng khoảng cách tham gia kinh tế cho thấy một số sự thụt lùi, gióng lên hồi chuông cảnh báo về một “cuộc khủng hoảng hậu đại dịch”, theo báo cáo.

WEF ước tính rằng sẽ mất 169 năm để đạt được sự bình đẳng về kinh tế toàn cầu và 162 năm để đạt được sự bình đẳng về chính trị.

Chỉ có chín quốc gia đã thu hẹp ít nhất 80% khoảng cách của họ: Iceland, Na Uy, Phần Lan, New Zealand, Thụy Điển, Đức, Nicaragua, Namibia và Litva. Lần thứ 14, Iceland tiếp tục là quốc gia bình đẳng giới nhất khi đã thu hẹp 91,2% khoảng cách, theo WEF.

Mỹ đứng thứ 43, với điểm tương đương là 74,8%. Mỹ đã tụt hạng trong bảng xếp hạng tổng thể so với năm ngoái (khi đứng thứ 27 với 76,9% tương đương) do sự sụt giảm mạnh trong chỉ số trao quyền chính trị, vốn là thước đo khoảng cách giữa nam và nữ trong các cấp ra quyết định chính trị cao nhất.

Thịnh Nguyễn