Hoạt động sản xuất suy yếu ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới

Các nhà sản xuất trên khắp thế giới đang phải đối mặt với nhu cầu suy yếu khi triển vọng kinh tế của ngành trở nên u ám.

Theo các cuộc khảo sát kinh doanh gần đây do công ty dữ liệu S&P Global công bố, các nhà máy Mỹ và trên khắp khu vực đồng euro đã báo cáo sự sụt giảm trong các đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa sản xuất trong tháng 5 khi họ giải quyết các đơn đặt hàng tồn đọng. Không rõ những đơn hangd tồn đọng đó, vốn đã gia tăng trong những ngày đầu của đại dịch, sẽ đeo bám ngành này trên toàn cầu trong bao lâu.

Dữ liệu của S&P Global cho thấy lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã rơi vào tình trạng thu hẹp trong tháng 5. Một cuộc khảo sát tương tự do Viện Quản lý Cung ứng công bố cho thấy ngành này đã suy giảm tháng thứ bảy liên tiếp vào tháng 5, với tốc độ nhanh hơn so với tháng trước.

Dữ liệu của chính phủ Mỹ cũng cho thấy những gì có thể là khởi đầu của một đợt suy thoái nhất quán. Bộ Thương mại đã báo cáo vào thứ Hai rằng các đơn đặt hàng của nhà máy không bao gồm vận chuyển đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 4. Nếu không bao gồm vũ khí quốc phòng, các đơn đặt hàng nhà máy đã giảm bốn trong sáu tháng qua cho đến tháng 4.

Tình hình ở Trung Quốc cũng không khá hơn là bao.

Các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất của Trung Quốc, ngành sản xuất lớn nhất thế giới, đã được cải thiện trong tháng 5, theo Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất của Caixin. Đó là một sự thở phào nhẹ nhõm tạm thời đối với các nhà đầu tư vốn lo ngại rằng tăng trưởng đang chững lại ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng dữ liệu gần đây cho thấy xuất khẩu từ Trung Quốc đã giảm 7,5% trong tháng 5 so với một năm trước đó, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1 do nhập khẩu tiếp tục giảm trong tháng đó.

Các ngân hàng trung ương đang tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát. Lãi suất tăng đang làm kiềm chế lạm phát bằng cách hạ nhiệt nhu cầu, cuối cùng khiến các ngân hàng thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay của họ. Ở Mỹ, điều đó đã xảy ra, đặc biệt là sau sự sụp đổ của ba ngân hàng khu vực trong vài tháng qua. Các điều kiện tín dụng cũng bị thắt chặt hơn ở khu vực đồng euro, nhất là sau vụ sáp nhập bắt buộc của các ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse và UBS.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp lên mức “đủ hạn chế”, theo Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã mạnh tay tăng lãi suất để chống lạm phát ở khu vực đồng euro và chưa có dấu hiệu sẵn sàng dừng lại.

Hàng hóa lâu bền, được định nghĩa là những sản phẩm tồn tại ít nhất ba năm — chẳng hạn như ô tô và thiết bị gia dụng — thường được mua trả góp, vì vậy việc thắt chặt các điều kiện tín dụng chắc chắn sẽ gây áp lực lên các nhà sản xuất. Điều đó cuối cùng có thể dẫn đến việc các nhà sản xuất toàn cầu cắt giảm lực lượng lao động của họ nếu nhu cầu về hàng hóa tiếp tục suy yếu và lượng hàng tồn đọng của họ ngày càng giảm.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã trải qua sự sụt giảm mạnh hơn về sản lượng kinh tế so với khu vực đồng euro vào đầu năm, đồng thời đẩy nước này vào suy thoái. Nền kinh tế Đức đã giảm 0,3% trong quý đầu tiên so với quý trước, sau khi giảm 0,5% trong quý IV.

Lãi suất tăng và lạm phát cao đè nặng lên người tiêu dùng và doanh nghiệp ở cả hai khu vực, mặc dù việc tăng giá đã giảm bớt trong vài tháng qua.

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 2,2% trong quý đầu tiên so với ba tháng trước, chủ yếu là do đất nước mở cửa trở lại khi người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu đi ăn ngoài và đi du lịch trở lại. So với cùng kỳ năm trước, GDP của Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh 4,5% trong ba tháng đầu năm. Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào dữ liệu tháng 5 đánh giá hiệu quả kinh tế của Trung Quốc.

Diệu Thảo