Cần sa ở Thái Lan có nguy cơ bị kiểm soát chặt chẽ trở lại

Trên Ganja TV của Thái Lan, những người đam mê cần sa đã theo dõi hành trình của loại thuốc này, từ chất gây nghiện bị cấm, đến một loại cây hợp pháp để sử dụng làm thuốc, rồi đến đỉnh cao giải trí.

Giờ đây, một năm sau khi Thái Lan hợp pháp hóa cần sa, hơn 90.000 người theo dõi của trang Facebook Ganja TV đang tỏ ra kinh ngạc khi các chính trị gia đối thủ đe dọa sẽ biến việc công khai tiêu thụ cần sa là bất hợp pháp một lần nữa – hoặc ít nhất là bị kiểm soát chặt chẽ.

Tâm điểm của sự chú ý là Pita Limjaroenrat, ứng cử viên thủ tướng của Đảng Tiến lên (MPF) đã gây bất ngờ khi giành vị trí đầu tiên trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng trước.

Mặc dù MFP được nhiều người coi là đảng tự do nhất trong số các đảng chính trị của Thái Lan, nhưng những người ủng hộ cần sa nói rằng đảng này đang dẫn đầu xu hướng kiềm chế việc sử dụng cần sa cho mục đích giải trí, tạo ra một cú sốc đối với ngành công nghiệp cần sa trị giá hàng tỷ đô la của đất nước.

Pita hiện nói rằng sự bùng nổ cần sa nên được tạm dừng để hạn chế việc sử dụng cần sac ho giải trí, cho đến khi chính phủ sắp tới có thể thông qua Đạo luật Cần sa được đề xuất để vạch ra ranh giới rõ ràng về nơi có thể bán và tiêu thụ loại thuốc này.

Điều đó phù hợp với quan điểm của liên minh tám đảng của Pita, một số đến từ các tỉnh miền nam Thái Lan có đa số người Hồi giáo bảo thủ, đang cố gắng thành lập chính phủ trong những tuần tới.

Để thành lập một liên minh cầm quyền, với Pita là thủ tướng, họ cần giành được 376 ghế để chiếm đa số trong quốc hội. Hiện tại, họ đang sở hữu 313 ghế.

Lập trường của liên minh này về cần sa đã khiến Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul tức giận, người đã thúc đẩy tự do hóa cần sa và từ chối ủng hộ bất kỳ chính phủ nào đang tìm cách hủy bỏ luật – dù chỉ là tạm thời. Đảng Bhumjaithai của Anutin nắm giữ 71 ghế, mang lại cho đảng này vị thế tiềm năng trong việc quyết định thành phần của chính phủ tiếp theo.

Khi các chính trị gia cãi nhau, những người ủng hộ cần sa ngày càng khó chịu về những đám mây đang bao phủ ngành của họ.

Đối với các nhà đầu tư, sự không chắc chắn về mặt pháp lý đã làm mất niềm tin vào một ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ trong năm sau khi phi hạt nhân hóa.

Aphichai Techanitisawad, 49 tuổi, người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty bán cần sa Grasshopper, nói với Al Jazeera: “Tôi đã đầu tư khoảng 1 triệu USD. Nếu nó trở thành bất hợp pháp một lần nữa, tôi sẽ phải ngừng đầu tư và tìm thị trường ở nơi khác”.

Thúy Minh