Nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Trải qua hơn 93 năm xây dựng Đảng, gần 78 năm xây dựng đất nước, 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới, các tổ chức Công đoàn luôn thể hiện được rõ vai trò là tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân, là chỗ dựa vững chắc, người cộng tác đắc lực của cơ quan nhà nước và là sợi dây chuyền nối liền giữa Đảng với quần chúng. Tuy nhiên đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, phong trào công nhân lao động và hoạt động Công đoàn đang phải đối mặt với không ít thách thức.
Nhận diện những thách thức trong tình hình mới
Để đất nước có được nền hòa bình và phát triển thịnh vượng, văn minh, giàu đẹp như ngày hôm nay không thể không kể đến những đóng góp quan trọng của tổ chức Công đoàn và công nhân lao động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Với chức năng của mình, Công đoàn Việt Nam đã triển khai đường lối, chủ trương Nghị quyết của Đảng thành chương trình công tác của tổ chức mình. Đảng lãnh đạo Công đoàn thông qua phát huy vai trò của từng đảng viên trong tổ chức Công đoàn các cấp.
Theo thời gian, tổ chức Công đoàn ngày càng được củng cố, phát triển, số lượng đoàn viên và Công đoàn cơ sở tăng nhanh, đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công đoàn mở rộng hoạt động sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước; phối hợp ngày càng hiệu quả với các cấp chính quyền, các tổ chức và người sử dụng lao động, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tiếp tục được đổi mới, đa dạng hoá, hướng về cơ sở. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng rãi, thu hút, khơi dậy động lực của đoàn viên, người lao động, góp phần tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế – xã hội. Công tác tài chính, tài sản Công đoàn từng bước được hoàn thiện; hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả. Công đoàn đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân, người lao động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hoạt động Công đoàn trong nước đang phải đối mặt với không ít thách thức. Đất nước ta càng đạt được những thành tựu phát triển to lớn, các thế lực thù địch, phản động lại càng điên cuồng tìm mọi cách để chống phá. Chúng thay đổi phương thức, thủ đoạn chống phá, tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng một cách tinh vi và xảo quyệt hơn. Hoạt động của chúng có lúc âm thầm, lẩn khuất, có lúc công khai, trắng trợn; thường tập trung vào thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trong nước, sự kiện đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, hoặc thời điểm xảy ra các vụ, việc phức tạp, nhạy cảm.
Tính chất nguy hiểm của những phương thức, thủ đoạn này ở chỗ, chúng tạo dựng nhận thức sai lệch, mơ hồ, hoài nghi, hoang mang, dao động, gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm lung lay niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tạo tâm lý bức xúc, chống đối trong xã hội. Các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ ý đồ chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta, luôn toan tính tạo ra “khoảng trống” về tư tưởng, lý luận trong đời sống chính trị – xã hội của nước ta, với âm mưu cơ bản, lâu dài và rất thâm độc là xoay chuyển quỹ đạo phát triển của đất nước ta đi chệch hướng XHCN.
Đặc biệt trong thời đại công nghệ số hiện nay, các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị đã triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội (Zalo, Facebook, TikTok…), các hình thức truyền thông mới để tuyên truyền chống phá. Chúng còn tận dụng tối đa hệ thống phát thanh, báo chí, xuất bản ở nước ngoài, các kênh facebook, youtube… để tung thông tin xấu, độc dưới dạng “thật như giả”, “giả như thật” nhằm xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ, bóp méo thành quả vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta; đánh giá sai, coi thường những thành quả mà tổ chức Công đoàn đã cố gắng, nỗ lực đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, phủ nhận hoàn toàn vai trò và những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của tổ chức Công đoàn.
Gần đây không ít tổ chức từ nước ngoài đã tài trợ tiền bạc, tán phát nhiều thông tin xuyên tạc để thúc đẩy việc thành lập cái gọi là các “Công đoàn độc lập”, hay “nghiệp đoàn độc lập”, “nghiệp đoàn tự do”, dưới chiêu bài là để bảo vệ quyền lợi cho công nhân, người lao động. Chúng còn tấn công vào đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược; liên tục tung tin giả về thân thế, sự nghiệp, tài sản, “sai phạm” của lãnh đạo cấp cao; xuyên tạc công tác nhân sự của Trung ương, công tác phòng, chống tham nhũng,… hòng gây bất ổn chính trị – xã hội; gây ra những khó khăn, thách thức không nhỏ cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Ưu tiên triển khai 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng yếu
Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Khối Cơ quan Trung ương, ngày 29/3/2023 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ phát động Cuộc thi chính luận về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” nhằm khuyến khích, động viên tất cả các tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể, đảng viên, cán bộ, công chức và người lao động trong toàn ngành tiếp tục hưởng ứng, tham gia nghiên cứu Nghị quyết 35-NQ/TW và thực hiện các tác phẩm chính luận tham dự Cuộc thi trong khung thời gian từ 01/3 đến 30/5/2023
Ông Phan Văn Bản – Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cho biết hiện Công đoàn Công Thương Việt Nam có trên 150.000 công nhân lao động đang công tác tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Trong những năm qua, Công đoàn Công Thương Việt Nam ngày càng thể hiện tốt vai trò là người đại diện chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của công nhân, viên chức, lao động. Công đoàn các cấp tích cực tham gia với chuyên môn trong việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, kiểm tra, giám sát đối với người sử dụng lao động. Tham gia xây dựng văn bản luật, chuyển đổi sắp xếp lại các doanh nghiệp; chỉ đạo, phối hợp tổ chức Đại hội công nhân viên chức, hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể; chỉ đạo xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp theo Chỉ thị 22-CT/TW ngày 5/6/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Góp phần hạn chế tranh chấp lao động tại cơ sở; tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của ngành…
Năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết các cấp Công đoàn đã triển khai đồng bộ thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ; đã đăng ký thực hiện hàng trăm đề tài khoa học cấp bộ; trên 1.000 đề tài khoa học cơ sở; đồng thời tham gia hưởng ứng có hiệu quả Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. Đến nay, đã có gần 174.000 lượt nộp ý tưởng, sáng kiến. Những sáng kiến đã được áp dụng vào thực tiễn với tổng giá trị làm lợi hàng trăm tỷ đồng; nhiều tấm gương lao động tiêu biểu xuất hiện từ lao động sản xuất đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Công Thương ghi nhận, khen thưởng.
Bên cạnh chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, các cấp Công đoàn còn phối hợp với người sử dụng lao động nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động thông qua việc tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt công nhân được học tập, đào tạo và đào tạo lại để nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp; tuyên truyền giáo dục để mỗi người lao động nhận thức sâu sắc về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…
Nhiều đơn vị, công ty trong ngành Công Thương đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết của Công đoàn công ty, gắn với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, với việc thực hiện nhiệm vụ chức năng của tổ chức Công đoàn; đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào các buổi sinh hoạt Công đoàn các cấp, coi đây là công việc quan trọng, thường xuyên. Qua đó giúp người lao động nâng cao nhận thức, tự trang bị cho mình sức đề kháng tốt, có trách nhiệm với nhiệm vụ cấp bách hiện nay.
Nhằm phát huy thành quả đạt được, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ III đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, trong thời gian tới Công đoàn Công Thương Việt Nam quyết tâm thực hiện tốt 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó Công đoàn Công Thương Việt Nam tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và của Đảng ủy Bộ Công Thương về công tác thi đua, khen thưởng, gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023. Rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp đã đề ra, đánh giá những việc đã làm được và chưa làm được, chỉ ra nguyên nhân cũng như các biện pháp thực hiện. Trong đó đặc biệt quan tâm chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền là lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động; phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn các cấp.
Song song đó Công đoàn Công Thương Việt Nam cũng sẽ dành ưu tiên cho việc hỗ trợ doanh nghiệp và động viên công nhân lao động, đoàn kết, sẻ chia, sáng tạo trong lao động sản xuất, bảo đảm việc làm thu nhập cho người lao động. Tập trung cao nhất chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội IV Công đoàn Công Thương Việt Nam tổ chức vào quý III/2023. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đặc biệt là tiếp tục hưởng ứng, tham gia Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xã hội từ thiện, hoạt động văn hóa, thể thao trong công nhân viên chức lao động; tích cực tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; xây dựng nhà trọ và nhà ở công nhân văn minh, an toàn; xây dựng đội ngũ công nhân lao động và tổ chức Công đoàn vững mạnh, nâng cao vị thế, uy tín của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới.
Quang Lâm