Meta bị EU phạt 1,3 tỷ đô la do vi phạm quyền riêng tư dữ liệu

Meta đã bị các cơ quan quản lý của Liên minh Châu Âu (EU) phạt mức kỷ lục 1,2 tỷ Euro (1,3 tỷ đô la) vì chuyển dữ liệu cá nhân của người dùng Facebook tại châu Âu sang các máy chủ ở Hoa Kỳ.

Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Châu Âu đã công bố khoản tiền phạt trong một tuyên bố hôm thứ Hai, cho biết họ tuân theo một cuộc điều tra về Facebook của Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland, cơ quan quản lý chính giám sát các hoạt động của Meta ở Châu Âu.

Đây là khoản tiền phạt lớn nhất từng được áp dụng theo luật bảo mật dữ liệu của Châu Âu, được gọi là Quy định bảo vệ dữ liệu chung, hay GDPR. Kỷ lục trước đó là 746 triệu euro (805,7 triệu đô la) đã áp dụng với Amazon vào năm 2021.

Meta cũng đã được yêu cầu ngừng xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng châu Âu tại Mỹ trong vòng sáu tháng.

Andrea Jelinek, chủ tịch của Ủy ban bảo vệ dữ liệu châu Âu cho biết vi phạm của Meta là “rất nghiêm trọng vì nó liên quan đến việc chuyển giao có hệ thống, lặp đi lặp lại và liên tục. Facebook có hàng triệu người dùng ở châu Âu nên khối lượng dữ liệu cá nhân được truyền đi rất lớn. Khoản tiền phạt chưa từng có là một tín hiệu mạnh mẽ cho các tổ chức rằng các hành vi vi phạm nghiêm trọng sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng”.

Facebook vẫn khả dụng ở châu Âu

Meta, công ty cũng sở hữu WhatsApp và Instagram, cho biết họ sẽ kháng cáo phán quyết, bao gồm cả tiền phạt. Họ nói thêm rằng sẽ không có sự gián đoạn ngay lập tức đối với Facebook ở châu Âu.

Công ty cho biết gốc rễ của vấn đề bắt nguồn từ “xung đột pháp luật” giữa các quy định của Mỹ về quyền truy cập dữ liệu và quyền riêng tư của người châu Âu. Các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu và Mỹ đang trên một “con đường rõ ràng” để giải quyết xung đột này theo Khung bảo mật dữ liệu xuyên Đại Tây Dương mới.

Khuôn khổ mới tìm cách chấm dứt tình trạng lấp lửng mà các công ty phải đối mặt kể từ năm 2020, khi tòa án hàng đầu của Châu Âu hủy bỏ thỏa thuận Bảo vệ Quyền riêng tư giữa EU và Mtx, thỏa thuận mà khoảng 5.000 công ty dựa vào để chuyển thông tin xuyên biên giới.

Nick Clegg, chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta và Jennifer Newstead, giám đốc pháp lý của công ty, cho biết trong một tuyên bố: Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Châu Âu “đã chọn bỏ qua tiến trình rõ ràng mà các nhà hoạch định chính sách đang thực hiện để giải quyết vấn đề cơ bản này”.

Thuận Nguyễn