Vị thế độc tôn của thanh long Việt đang lung lay
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu thanh long của Việt Nam đã giảm 3 năm liên tiếp kể từ năm 2019. Sự suy giảm này đang làm lung lay đáng kể vị thế độc tôn của trái thanh long Việt trên trường quốc tế…
Hiện thanh long Việt Nam đang được xuất khẩu đến hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Thái Lan, Hà Lan, Nhật Bản là những quốc gia nhập khẩu thanh long lớn nhất của Việt Nam. Nếu như trước đây thanh long Việt Nam từng giữ thế độc tôn trên thị trường quốc tế (chiếm 80-90% lượng giao dịch) thì từ năm 2019 đến nay, kim ngạch xuất khẩu thanh long của nước ta liên tục giảm mạnh. Đặc biệt trong 2 năm 2021 – 2022, thanh long đã rớt khỏi top những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thanh long chỉ đạt hơn 632 triệu USD, giảm gần 39% so với năm 2021 và giảm trên 49% so với mức đỉnh năm 2019. Riêng trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thanh long chỉ đạt gần 106 triệu USD, giảm 26,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, một số thị trường nhập khẩu thanh long của Việt Nam đã giảm mạnh lượng hàng, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sang Nhật Bản giảm 35,4%…
Theo các doanh nghiệp, sở dĩ lượng xuất khẩu thanh long giảm mạnh là do ngày càng có nhiều nước tham gia sản xuất thanh long khiến mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng tăng. Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết mặc dù Trung Quốc – thị trường tiêu thụ phần lớn sản lượng thanh long của Việt Nam đã mở cửa trở lại song do diện tích trồng thanh long ở nước này đã tăng mạnh nên nhu cầu nhập khẩu cũng hạn chế hơn so với các năm trước.
Cụ thể tính đến cuối tháng 2/2023, Trung Quốc đã vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về sản lượng thanh long với 1,6 triệu tấn/năm, cao hơn Việt Nam 200.000 tấn. Sản lượng này hầu như đáp ứng gần đủ nhu cầu tiêu dùng khoảng 2 triệu tấn thanh long/năm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã trồng thành công cây thanh long. Mới đây, Chính phủ Ấn Độ cũng đã đưa ra lộ trình nâng diện tích canh tác loại quả này từ 3.000 ha hiện tại lên 50.000 ha trong 5 năm tới.
Ngoài ra việc Mexico trồng thành công cây thanh long cũng là nguyên nhân kéo giảm thị phần xuất khẩu của thanh long Việt Nam sang Mỹ và Canada. Nếu như những năm 2010, xuất khẩu thanh long Việt Nam vào Mỹ đạt kim ngạch cao thì từ năm 2019 đến nay, khi Mexico canh tác được giống này đã chiếm thị phần tại Mỹ, Canada khiến Việt Nam không xuất được trái thanh long trắng qua đây (ngoại trừ một số ít loại thanh long ruột đỏ Mexico chưa canh tác được).
Theo dự báo của các doanh nghiệp, trong năm 2023 này sản lượng xuất khẩu thanh long của Việt Nam sẽ sụt giảm. Đáng báo động là giá mặt hàng này cũng sẽ khó tăng cao trong các năm tiếp theo nếu thanh long Ấn Độ, Trung Quốc được cung ứng ra thị trường với sản lượng lớn. Ngoài ra không thể không tính đến nguy cơ hàng nước bạn sẽ xuất ngược sang Việt Nam khi giá thành của họ rẻ hơn.
Đặt trong bối cảnh Trung Quốc, Ấn Độ đang chạy đua về sản lượng thanh long, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) Đặng Phúc Nguyên khuyến nghị bà con nông dân và doanh nghiệp Việt cần có sự nhìn nhận, đánh giá lại thị trường để từ đó khắc phục những hạn chế và phát huy triệt để mọi lợi thế có được. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, nông dân cũng cần chọn thời điểm canh tác hợp lý, nhất là thời điểm mà các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc không thể canh tác được để tăng lượng hàng trái vụ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh thu hoạch trước hoặc sau khi hàng nước bạn hết vụ. Để làm được điều này đòi hỏi chính quyền địa phương phải thông tin kịp thời, đầy đủ tới bà con nông dân để họ có sự chuẩn bị và canh tác đúng quy hoạch. “Ngoài ra chúng ta cũng nên đẩy mạnh trồng thanh long ruột đỏ vì sản phẩm này các nước khó trồng. Đặc biệt để tránh phụ thuộc vào các thị trường, các doanh nghiệp cần tập trung vào chế biến sâu, hướng tới nâng cao giá trị gia tăng của trái thanh long Việt” – ông Tùng khuyến nghị
Duy Nam