G7 tranh luận về việc giảm sự phụ thuộc chuỗi cung ứng vào Trung Quốc

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết các nhà lãnh đạo tài chính của Nhóm G7 đã thảo luận về sự cần thiết phải làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu linh hoạt hơn bằng cách giảm sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.
Nhật Bản, quốc gia đang tổ chức cuộc họp G7 kéo dài ba ngày để tranh luận về các chủ đề toàn cầu quan trọng tại thành phố Niigata, đã dẫn đầu những nỗ lực mới nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc bằng cách xây dựng quan hệ đối tác với các nước thu nhập thấp và trung bình thông qua đầu tư và viện trợ.
Ông Lindner phát biểu trong một cuộc họp báo rằng các quốc gia như Đức muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ông nói thêm: “Ở đây, các nước mới nổi và có thu nhập thấp đều muốn tham gia”. Tuy nhiên, trong khi các nền dân chủ giàu có G7 có khả năng đồng ý về thỏa thuận hợp tác để tăng cường chuỗi cung ứng, thì họ lại không có cùng quan điểm về việc họ nên hành động đến mức nào để chống lại Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không phải là thành viên G7.
Mỹ đang đi đầu trong việc thúc đẩy những bước đi mạnh mẽ hơn. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã kêu gọi kiểm soát có mục tiêu đối với đầu tư vào Trung Quốc để chống lại những gì bà coi là “sự ép buộc kinh tế” của Bắc Kinh đối với các nước khác.
Mặc dù cảnh giác với Trung Quốc như một đối thủ chiến lược, tuy nhiên, Đức vẫn thận trọng để không bị xem là đang thành lập một mặt trận G7 chống lại Bắc Kinh do nước này phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc.
Các quan chức chính phủ cho biết Nhật Bản cũng hoài nghi về ý tưởng kiểm soát đầu tư do tác động to lớn mà một động thái như vậy có thể gây ra đối với thương mại toàn cầu và nền kinh tế của chính họ.
Một quan chức Bộ Tài chính Nhật Bản tham gia các cuộc đàm phán G7 nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng ý tưởng đã được thảo luận tại cuộc họp, nhưng các sáng kiến của Nhật Bản không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt nói với tờ Nikkei hôm thứ Năm rằng G7 phải chống lại sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc, mặc dù không đề cập đến các biện pháp kiểm soát đầu tư.
Quốc Mạnh