Xuất khẩu gạo và bài toán cung không đủ cầu
Do nhu cầu lương thực trên thế giới tăng cao nên trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, mở ra bức tranh vô cùng xáng lạn cho ngành gạo xuất khẩu…
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt đạt hơn 1,85 triệu tấn với trị giá 981 triệu USD, tăng hơn 23% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt bình quân giá gạo xuất khẩu tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 529 USD/tấn. Nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.
Còn theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, trong 3 tháng đầu năm xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng rất mạnh ở cả thị trường truyền thống (Philippines tăng 44,8%; Trung Quốc tăng 118,8%…) lẫn các thị trường tiềm năng (Chile tăng gấp 25 lần; Singapore tăng gần 30%…). Đặc biệt xuất khẩu gạo sang châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt (thị trường Hà Lan, Ba Lan tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái; thị trường Bỉ tăng 58,5%…) nhờ vào các sản phẩm gạo thơm ST, gạo phẩm chất chất lượng cao với giá trị gia tăng cao.
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, tín hiệu khởi sắc từ các thị trường nhập khẩu cũng phần nào cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày một nâng cao, đáp ứng hiệu quả yêu cầu từ các thị trường nổi tiếng khắt khe và cầu toàn; đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Khỏe – Giám đốc Công ty Đại Dương Xanh cho biết ngành gạo Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để vươn lên tầm cao mới. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là không đủ gạo để bán; nói chính xác hơn là không đủ gạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn EU, Mỹ để xuất khẩu theo nhu cầu của các thị trường lớn này.
Cũng theo ông Khỏe, Công ty Đại Dương Xanh đã xuất khẩu gạo sang EU từ khi chưa có Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA). Nếu như trước khi có Hiệp định, lượng bán chỉ khoảng 1-2 container (khoảng 20 tấn/container) thì hiện nay con số đã tăng lên vài ngàn tấn/năm song vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu của thị trường này. Lãnh đạo Công ty Đại Dương Xanh cho rằng bài toán đặt ra cho ngành xuất khẩu gạo hiện nay không phải là giá cả mà nằm ở vấn đề số lượng có đủ để cung cấp cho các đối tác. Nếu như trước đây khách hàng mua gạo Việt vì giá rẻ thì nay họ mua gạo Việt vì chất lượng.
Nhận định về thị trường gạo trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết nhu cầu nhập khẩu gạo Việt vẫn tăng mạnh ở các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi. Còn tại thị trường EU, cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt là rất lớn xuất phát từ nhu cầu dự trữ lương thực ở mức cao do cuộc chiến Nga – Ukraine. “So với Thái Lan, Ấn Độ thì Việt Nam đang có lợi thế hơn do nguồn cung sớm từ vụ Đông Xuân; sản lượng, chất lượng lúa gạo cũng ổn định nên dự báo trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam vẫn ở mức tốt… Dự báo năm nay sẽ là năm bội thu của ngành gạo xuất khẩu. Tuy nhiên yêu cầu đặt ra là toàn ngành phải chú trọng hơn đến khâu sản xuất và liên kết sản xuất sao cho đảm bảo có đủ các chủng loại gạo phù hợp với nhu cầu thị trường” – ông Nam khuyến nghị.
Đình Dũng