Mỹ: Các văn phòng bỏ trống là rủi ro tiếp theo đối với các ngân hàng
Từ Dallas và Minneapolis đến New York và Los Angeles, các văn phòng đang bị bỏ trống hoặc ít được sử dụng, điều cho thấy sức mạnh bền bỉ của kỷ nguyên làm việc tại nhà. Tuy nhiên, bàn làm việc sạch sẽ và phòng nghỉ yên tĩnh không chỉ là vấn đề đau đầu đối với những ông chủ muốn tập hợp các nhóm làm việc trực tiếp.
Các nhà đầu tư và cơ quan quản lý, vốn đang trong tình trạng cảnh giác cao độ về những dấu hiệu rắc rối trong hệ thống tài chính sau những vụ đổ vỡ ngân hàng gần đây, hiện đang tập trung vào sự suy thoái của thị trường bất động sản thương mại trị giá 20 nghìn tỷ đô la Mỹ.
Giống như những người cho vay đối với lĩnh vực này đang vật lộn với tình trạng hỗn loạn do lãi suất tăng nhanh gây ra, giá trị của các tòa nhà như văn phòng đang sụt giảm. Điều đó có thể làm tăng thêm nỗi đau cho các ngân hàng và làm tăng mối lo ngại về các hiệu ứng dây chuyền có hại.
Eswar Prasad, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell, cho biết: “Mặc dù đây chưa phải là vấn đề mang tính hệ thống đối với lĩnh vực ngân hàng, nhưng vẫn có những lo ngại chính đáng về tác động lây lan”.
Trong trường hợp xấu nhất, lo lắng về việc ngân hàng cho vay bất động sản thương mại có thể tăng vọt, khiến khách hàng rút tiền gửi. Việc khách hàng rút tiền khỏi ngân hàng là lý đã lật đổ Ngân hàng Thung lũng Silicon vào tháng trước, khuấy động thị trường tài chính và làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ.
Khi được hỏi về mối nguy hiểm do bất động sản thương mại gây ra, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết vào tháng trước rằng các ngân hàng vẫn “mạnh mẽ” và “kiên cường”. Tuy nhiên, hiện ngày càng nhiều sự chú ý ngày càng tăng về mối liên hệ giữa những người cho vay ở Mỹ và lĩnh vực bất động sản.
Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, Jamie Dimon, nói với CNN hôm thứ Năm rằng ông không thể chắc chắn liệu có thêm ngân hàng nào phá sản trong năm nay hay không. Tuy nhiên, ông đã nhanh chóng chỉ ra rằng tình hình hiện tại rất khác so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi có “hàng trăm tổ chức trên khắp thế giới với quá nhiều đòn bẩy”.
Thị trường Mỹ có vẻ dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh gần đây cũng đã cảnh báo về những rủi ro gắn liền với bất động sản thương mại khi triển vọng giá cả xấu đi.
Bất động sản thương mại – bao gồm văn phòng, khu chung cư, nhà kho và trung tâm thương mại – đã chịu áp lực đáng kể trong những tháng gần đây. Theo nhà cung cấp dữ liệu Green Street, giá cả tại Mỹ đã giảm 15% trong tháng 3 so với mức đỉnh gần đây. Lãi suất tăng nhanh trong năm qua đã gây tác động lớn, vì việc mua các tòa nhà thương mại thường được tài trợ bằng các khoản vay lớn.
Đây là một vấn đề tiềm ẩn đối với các ngân hàng khi cho vay rộng rãi đối với lĩnh vực này. Goldman Sachs ước tính rằng 55% các khoản vay văn phòng của Mỹ nằm trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Các ngân hàng khu vực và cộng đồng — vốn đã chịu áp lực sau thất bại của Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature vào tháng 3 — chiếm 23% tổng số các nhà cho vay.
Triệu Anh