Đòn bẩy cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam -Australia
Việt Nam và Australia đều là thành viên chung của ít nhất 3 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Các FTA này đã trở thành bệ phóng mạnh mẽ cho quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước…
Thống kê cho thấy năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Australia
đạt 15,7 tỷ USD, tăng 26,9% so với năm 2021; đưa Australia trở thành đối tác thương mại lớn 7
của Việt Nam. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với
Australia đạt 2 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt 769,4
triệu USD, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt 1,2 tỷ USD.
Để có được kết quả hợp tác thương mại ấn tượng trên, bên cạnh các biện pháp quyết liệt
và chính sách linh hoạt, đồng bộ của Chính phủ Việt Nam – Australia còn phải kể đến những nỗ
lực thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, tận dụng hiệu quả các FTA mà hai nước là thành viên
như: Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand
(AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp
định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Thực tế cho thấy các FTA đã góp phần quan
trọng giúp người tiêu dùng Australia biết đến nhiều hơn và ngày càng ưa chuộng các mặt hàng
“made in Vietnam” như dệt may, giày dép, mũ nón và túi ví, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thủy sản,
thực phẩm chế biến…
Không chỉ tạo bước đột phá trong lĩnh vực thương mại, các FTA còn trở thành đòn bẩy
thúc đẩy tăng trưởng đầu tư giữa hai nước, nổi bật là Hiệp định CPTPP. Theo số liệu của Cục
Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến cuối năm 2021 Australia có 550 dự án
đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn gần 2 tỷ USD. Hiện FDI của Australia chiếm 0,5% tổng giá trị
FDI tại Việt Nam và đứng thứ 19 trong danh sách các nền kinh tế có đầu tư FDI lớn nhất vào
nước ta. Các dự án FDI Australia đầu tư tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chế
biến – chế tạo (chiếm gần 50%), dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao… Các dự án này đi vào
hoạt động đã góp phần tạo ra các giá trị liên kết, lan tỏa, kết nối tích cực với các doanh nghiệp
nội địa Việt Nam; đặc biệt các dự án của Australia trong lĩnh vực nông nghiệp đã giúp nâng cao
trình độ công nghệ nông nghiệp Việt Nam.
Theo ghi nhận của Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành, thời gian qua quan
hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Australia đã có bước phát triển mạnh mẽ trên cơ sở ưu tiên 8
lĩnh vực hợp tác theo Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế (EEES) do Thủ tướng hai nước
công bố tháng 11/2021. Sự đột phá này được thể hiện qua kim ngạch thương mại song phương
đã tăng từ 8,3 tỷ USD năm 2020 lên 12,4 tỷ USD năm 2021 và 15,7 tỷ USD năm 2022; tốc độ
tăng trưởng trung bình hàng năm 38% – thuộc mức cao nhất trong các đối tác thương mại của
Việt Nam.
Ngoài ra trên nền tảng 3 hiệp định mậu dịch tự do đa phương mà Australia – Việt Nam
đều là thành viên (AANZFTA, CPTPP, RCEP), lần đầu tiên Australia – Việt Nam thống nhất và
công bố Kế hoạch triển khai EEES với các biện pháp cụ thể, có thời hạn rõ ràng đến năm 2025.
Các biện pháp này được gọi là những sáng kiến then chốt, vừa có cơ sở thực tiễn, vừa có nguồn
lực thực hiện và sẽ được rà soát thường xuyên.
Ở cấp địa phương, các địa phương của hai nước đều quan tâm hỗ trợ cộng đồng doanh
nghiệp. Đa số các bang, vùng lãnh thổ của Australia có chiến lược hợp tác với Đông Nam Á,
nhiều bang cử đại diện thương mại-đầu tư tới ASEAN. Ngược lại, các cơ quan đại diện Việt
Nam tại Australia đã đóng vai trò hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động giao lưu kinh tế – thương
mại giữa hai nước. Đây là tiền đề vững chắc để nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế – thương mại
giữa hai nước trong thời gian tới.
Phía Australia cũng dự kiến sẽ sớm công bố Chiến lược kinh tế với Đông Nam Á tới năm
2040 với kỳ vọng doanh nghiệp lớn của Australia sẽ nhận diện rõ hơn những tiềm năng thế mạnh
của Việt Nam, từ đó góp phần nâng dòng vốn đầu tư của Australia đổ vào Việt Nam ngày càng
nhiều. Đặc biệt năm 2023 là thời điểm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh
tế – thương mại giữa Việt Nam và Australia (1973-2023); chính vì vậy các địa phương và doanh
nghiệp hai nước sẽ có thêm nhiều cơ hội để bứt phá, góp phần nâng quan hệ Đối tác Chiến lược
Việt Nam-Australia lên tầm cao mới.
Chiều ngày 3/4, chuyên cơ chở Toàn quyền Australia David Hurley và Phu nhân Linda Hurley cùng Đoàn đại biểu Australia đã đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 3-6/4 theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Theo chương trình, Toàn quyền Australia David Hurley và Đoàn đại biểu Australia sẽ đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ; đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; dự Lễ đón chính thức và hội đàm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Toàn quyền Australia David Hurley sẽ cùng thăm Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam… Ngài Toàn quyền và Phu nhân sẽ tham dự một số sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương để ghi nhận thành tựu hợp tác giữa hai nước; giao lưu giáo dục, nhân dân hai nước tại Hà Nội và Tp.HCM; đến thăm các cơ sở giáo dục tại Tp.HCM… Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Toàn quyền Australia David Hurley và Phu nhân sẽ góp phần tăng cường gắn kết hai nước ở tất cả các cấp, củng cố lòng tin chiến lược giữa hai quốc gia, là dấu ấn nổi bật trong Năm kỷ niệm quan trọng của hai nước. |
Trúc Anh