Báo lỗ hơn 36.294 tỷ đồng năm 2022, EVN kiến nghị sớm tăng giá điện
Tại buổi họp báo Công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương cho biết năm 2022 giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN là 2.032,26 đ/kWh, tăng tới 9,27% so với năm 2021, dẫn tới khoản lỗ hơn 36.294 tỷ đồng trong năm ngoái. Chính vì vậy Bộ Công Thương và EVN sẽ có sự tính toán, đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện cho phù hợp
Kết quả kiểm tra thực tế chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 của EVN cho thấy nếu như năm 2021, tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện của Tập đoàn (bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối-bán lẻ điện và phụ trợ-quản lý ngành) là hơn 419.031 tỷ đồng thì năm 2022, con số này đã tăng lên gần 493.300 tỷ đồng; kéo theo giá thành sản xuất của Tập đoàn cũng tăng 9,27% so với năm 2021, đạt 2.032,26 đồng một kWh (trong đó các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên)….
Như vậy với giá bán lẻ điện bình quân duy trì ở mức 1.864,44 đồng một kWh từ tháng 3/2019 đến nay, EVN lỗ gần 168 đồng mỗi kWh điện bán ra. Riêng năm 2022 Tập đoàn lỗ hơn 36.294 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện, chủ yếu do chi phí phát điện đội lên (năm 2022 là hơn 412.243 tỷ đồng – tăng gần 21,5% so với 2021).
Tại buổi họp báo, ông Trần Việt Hoà – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết phát điện là khâu lỗ nhiều nhất, trong đó chủ yếu do giá nguyên liệu (than, khí) tăng dẫn đến chi phí mua điện của EVN cũng tăng cao. Trong năm 2022 có thời điểm giá than pha trộn tăng hơn 34-46% so với giá cùng loại 2021; còn giá than nhập khẩu tăng 163% so với bình quân 2021. Việc này dẫn tới giá mua từ các nhà máy điện than tăng cao khiến chi phí đầu vào cho phát điện cũng tăng theo.
Ở khâu truyền tải điện, giá thành sản xuất tương đương hơn 68 đồng một kWh, cao hơn 5,56% so với 2021. Ngoài ra khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia gần 388 tỷ đồng. Riêng với khâu phân phối – bán lẻ và phụ trợ quản lý giảm lần lượt gần 258 đồng một kWh và 6,7 đồng một kWh. So với năm 2021, giá sản xuất các khâu này thấp hơn 8,3% và 0,17%.
Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam cho biết do phải gánh khoản lỗ lớn năm ngoái nên hiện tại Tập đoàn này đang gặp khó khăn về tài chính. Sau khi thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí, tối ưu hệ thống vận hành các nhà máy điện…, EVN cũng đã có đề xuất Bộ Công Thương và các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá điện năm nay.
Liên quan đến việc tăng giá điện, ông Trần Việt Hoà cho rằng việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương sau khi EVN báo cáo. Cơ chế điều chỉnh sẽ căn cứ vào thông số đầu vào, nếu thay đổi làm giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên thì giá điện sẽ được điều chỉnh. Cụ thể giá đầu vào tăng 3-5%, EVN được tự điều chỉnh giá điện; tăng 5-10%, thẩm quyền thuộc Bộ Công Thương; và tăng trên 10% sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết.
Do giá điện tác động mạnh đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô và đời sống người dân nên Bộ Công Thương đang nghiên cứu phương án điều chỉnh giá điện để trình Chính phủ xem xét trên tinh thần đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, EVN và đời sống của người dân.
Duy Thảo