Trung Quốc điều tra Micron Technology về rủi ro an ninh mạng
Trung Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra an ninh mạng đối với Micron Technology, một trong những nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ, nhằm trả vụ Mỹ và các đồng minh châu Á và châu Âu công bố những hạn chế mới đối với việc bán công nghệ chủ chốt cho Bắc Kinh.
Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) sẽ xem xét các sản phẩm do Micron bán ở nước này, theo một tuyên bố của cơ quan giám sát vào cuối ngày thứ Sáu.
Động thái này nhằm mục đích “đảm bảo tính bảo mật của chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, ngăn ngừa rủi ro an ninh mạng do các sự cố sản phẩm ẩn gây ra và duy trì an ninh quốc gia”.
Tuyên bố được đưa ra cùng ngày khi Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ, cho biết họ sẽ hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang các nước bao gồm cả Trung Quốc, sau các động thái tương tự của Mỹ và Hà Lan.
Washington và các đồng minh đã công bố các biện pháp hạn chế đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, đánh vào nỗ lực trở thành siêu cường công nghệ của Bắc Kinh.
Tháng trước, Hà Lan cũng công bố những hạn chế mới đối với việc bán công nghệ bán dẫn ra nước ngoài, với lý do cần bảo vệ an ninh quốc gia. Vào tháng 10/2022, Mỹ đã cấm các công ty Trung Quốc mua chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến mà không có giấy phép.
Micron nói với CNN rằng họ đã biết về vụ rà soát này. Công ty cho biết: “Chúng tôi đang liên lạc với CAC và đang hợp tác đầy đủ”, đồng thời cho biết thêm rằng họ đảm bảo tính bảo mật cho các sản phẩm của mình.
Cổ phiếu của Micron đã giảm 4,4% trên Phố Wall vào thứ Sáu sau tin tức này, mức giảm lớn nhất trong hơn ba tháng. Micron có được hơn 10% doanh thu từ Trung Quốc.
Trong một hồ sơ trước đó, công ty có trụ sở tại Idaho đã cảnh báo về những rủi ro như vậy. Công ty cho biết: “Chính phủ Trung Quốc có thể hạn chế chúng tôi tham gia vào thị trường Trung Quốc hoặc có thể ngăn cản chúng tôi cạnh tranh hiệu quả với các công ty Trung Quốc”.
Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ các hạn chế đối với xuất khẩu công nghệ, tháng trước cho biết họ “kiên quyết phản đối” các biện pháp như vậy.
Trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm, Bắc Kinh đang tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài khi họ phải vật lộn với những thách thức kinh tế ngày càng gia tăng. Tân Thủ tướng Lý Cường và một số quan chức kinh tế hàng đầu đã đưa ra các phát biểu chào đón các CEO toàn cầu và hứa hẹn họ sẽ “cung cấp một môi trường và dịch vụ tốt”.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng gây áp lực ngày càng tăng đối với các công ty nước ngoài để khiến họ tuân theo chương trình nghị sự của mình.
Tháng trước, chính quyền đã đóng cửa văn phòng Bắc Kinh của Mintz Group, một công ty tình báo doanh nghiệp của Mỹ, và bắt giữ 5 nhân viên địa phương.
Vài ngày trước đó, họ đã đình chỉ hoạt động của Deloitte tại Bắc Kinh trong ba tháng và phạt 31 triệu đô la vì những sai sót bị cáo buộc trong công việc kiểm toán một công ty quản lý nợ khó khăn thuộc sở hữu nhà nước.
Mai Anh